English

Nghiên cứu

Foraminifera và những ứng dụng trong Nghiên cứu Môi trường

Tất cả các thành viên tham dự đã thực sự hứng khởi khi tham gia Seminar khoa học “Foraminifera, sự hòa tan của Foraminifera và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu” tổ chức vào sáng 20/6/2012  tại P706 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng. Seminar không chỉ hấp dẫn bởi phương pháp trình bày sáng tạo, độc đáo mà còn bởi vấn đề đặt ra đang rất nóng bỏng đối với toàn thể nhân loại, đó là sự tác động qua lại và hậu quả của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến con người và thiên nhiên hiện nay.
 
 
TS. Minh Phương trình bày báo cáo Khoa học tại buổi Seminar

Chúng ta biết rằng Foraminifera là động vật nguyên sinh sống trôi nổi và bám đáy trong môi trường biển và đại dương. Theo ước tính có khoảng 5.000 loài Foraminifera đã được xác định và còn rất nhiều loài chưa được xác định. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng việc nghiên cứu định tính và định lượng thành phần phức hệ Foraminifera có nhiều ý nghĩa thực tiễn và khoa học quan trọng. Nắm bắt được bản chất nhạy cảm với biến đổi môi trường, đa dạng loài và dễ thu thập của Foraminifera, TS. Minh Phương đã dựa trên sự thay đối thành phần định tính và định lượng của các phức hệ sinh vật này để thực hiện các nghiên cứu về cổ môi trường, trong đó có biến đổi khí hậu. Báo cáo của TS. Minh Phương đi vào 3 vấn đề lớn. Đó là kết quả của việc nghiên cứu sự hòa tan Foraminifera, vấn đề biến đổi khí hậu - một trong những thách thức to lớn có tính toàn cầu trong thế kỷ 21 và hướng tiếp cận được coi là tương đối mới ở Việt Nam - liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo TS. Minh Phương: “Nhiều nghiên cứu về Foraminifera tại Việt Nam và thế giới đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc sử dụng sinh vật như một chất chỉ thị đối với sự biến đổi của môi trường. Nghiên cứu Foraminifera giúp các nhà khoa học khôi phục lại điều kiện môi trường tự nhiên nguyên thủy, diễn tiến của nó cũng như dự đoán những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai. Nghiên cứu sự biến đổi thành phần phức hệ hóa thạch Foraminifera còn có những đóng góp thiết thực trong việc nghiên cứu địa tầng, điều kiện trầm tích, làm nền tảng cho việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí...”

Cũng tại seminar, nhiều nhà khoa học của Duy Tân đã đóng góp ý kiến nhằm gợi mở cho TS. Minh Phương những hướng nghiên cứu mới trong tương lai như việc lựa chọn địa điểm thu mẫu Foraminifera để nghiên cứu được thuận lợi nhất, xác định phức hệ của Foraminifera khi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra hay những tác động do con người tạo ra ở các khu vực cục bộ...

TS. Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển cho biết: ”Đây là chương trình sinh hoạt học thuật được tổ chức hàng tuần, hàng tháng tại trường Đại học Duy Tân. Các seminar được tổ chức sẽ là cơ hội để các nhà khoa học giới thiệu về công trình nghiên cứu của mình đồng thời chia sẻ hướng nghiên cứu với những đồng nghiệp đang quan tâm. Hoạt động khoa học rất thiết thực này cũng gắn kết cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên toàn trường và mở ra những cơ hội tiếp cận mới cho sinh viên với những nghiên cứu khoa học đang rất được thế giới quan tâm.

Liên tục tổ chức 6 seminar trong vòng 3 tháng, từ Vô tuyến thông minh và Truyền thông hợp tác” (24/03/2012), ”Một phương pháp tính toán song song dùng để định vị Sensor trong mạng Sensor không dây” (07/04/2012), “Tổng quan về bài toán LPPS” (21/04/2012), “Xử lý và Tái chế các loại dầu nhớt thải - công nghệ từ Đại học Duy Tân” (28/04/2012), “Một số vấn đề trong lý thuyết bất biến modular và lý thuyết đối đồng đều của nhóm hữu hạn” (12/05/2012) đến “Foraminifera, sự hòa tan của foraminifera và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu” (20/6/2012)) cùng nhiều seminar diễn ra trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển đã và đang thể hiện sự cần thiết và lớn mạnh từng ngày để cùng đồng hành với Duy Tân trên con đường mang tri thức khoa học của thế giới đến với sinh viên.

(Truyền Thông)