English

Giấc mơ Duy Tân

Làm gì để các tân thủ khoa nghèo trở thành những nhân tài phục vụ đất nước?

(GD&TĐ)-Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2010 có 890 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên, trong đó có 42 thí sinh đạt từ 29 điểm trở lên.

Thật đáng tự hào và khâm phục là trong số 890 thí sinh đó có nhiều thí sinh có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên đạt thủ khoa các trường ĐH lớn của Việt Nam, ví dụ: em Tăng Văn Bình, quê huyện Đô Lương, Nghệ An, thủ khoa trường ĐH Ngọai Thương với số điểm tuyệt đối 30/30; đôi bạn thân Lê Thị Minh Vượng thủ khoa của truờng ĐH Y Hà Nội, đạt 29 điểm (đồng thời thi vào ĐH Ngọai Thương cũng đạt 29 điểm) và em Phạm Văn Khánh, thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội, đạt 29 điểm, cùng ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội; em Hoàng Văn Quý, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, thủ khoa ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với số điểm 29,25,vv…

(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

 

Đạt được những thành tích như vậy nhưng bản thân các em và gia đình lại không trọn niềm vui mà thêm vào đó là nước mắt, là nỗi lo day dứt: tiền đâu để học?.

Đáng mừng là các trường đại học đã có các chính sách ưu đãi đối với các em như miễn học phí, hỗ trợ chỗ ở; chính phủ cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội; các đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân,vv… có những hỗ trợ thiết thực nhằm giúp các em có thể bước vào giảng đường đại học để thực hiện ước mơ của mình.

Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ thu hút nhân tài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì Chính phủ cần phải có một chính sách cụ thể. Thiết nghĩ, Chính phủ cần xây dựng một chính sách dành riêng cho các học sinh con nhà nghèo học giỏi như em Bình, Vượng, Quý,…để các em hoàn toàn yên tâm học tập và nghiên cứu. Chính phủ có thể tài trợ hoàn toàn mọi chi phí học tập như học phí, chi phí ăn ở, mua sắm trang thiết bị học tập, vv… cho các em. Nếu các em có nguyện vọng học ở nước ngoài thì Chính phủ cũng sẽ sẵn sàng trang trải. Tuy nhiên, các em sẽ phải có một bản hợp đồng với Chính phủ là sau khi tốt nghiệp các em sẽ phục vụ cho các cơ quan nhà nước và chịu sự điều động của Chính phủ.

Thực hiện được như trên, đất nước ta sẽ ngày càng có thêm nhiều nhân tài, thậm chí có người sẽ gặt hái được những thành tích kỳ diệu như GS. Ngô Bảo Châu-điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất tâm huyết tại buổi Lễ chào mừng GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tối 29-8: “Việt Nam cần có nhiều Ngô Bảo Châu và chúng ta cần có một xã hội học tập”. Bên cạnh đó, chính sách này sẽ là động lực vô cùng lớn lao đối với các lớp học sinh sau này vừa học giỏi, chăm ngoan vừa giàu nghị lực và có ước mơ phục vụ tổ quốc nhưng gặp phải hoàn cảnh khó khăn.

(Ths. Trần Văn Hùng-Theo http://www.gdtd.vn)