Những ý kiến tâm huyết của nhà giáo Lê Công Cơ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Duy Tân được chắt lọc từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng ngôi trường ĐH tư thục đầu tiên ở miền Trung.
Qua nhiều năm trải nghiệm với mô hình ĐH tư thục tại miền Trung, từ việc khai sinh đến nuôi dưỡng, duy trì và bảo vệ thương hiệu, tôi có dịp đi nghiên cứu một số trường ĐH có uy tín trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Malaysia…) và các nước phát triển như Hàn Quốc, Úc, Mỹ. Tôi có cảm nhận là ĐH của nước ta không giống ai cả. Có lẽ chính vì thế mà mãi cho đến nay ta chưa có một trường ĐH nào đạt được đẳng cấp tại Châu Á, chứ chưa nói đến đẳng cấp quốc tế.
Theo nhận thức của tôi, giáo dục ĐH của nước ta là sự pha trộn của ba mô hình : Pháp, Liên Xô (cũ) và sau này là Mỹ. Một mô hình hỗn hợp như vậy cộng thêm tính cạnh tranh giữa các trường ĐH với nhau chưa mạnh, nên vẫn chưa thúc đẩy các trường vươn lên đạt các chuẩn mà quốc tế quy định.
Những hạn chế, bất cập của giáo dục ĐH Việt Nam có thể nhận thấy rõ qua những biểu hiện sau :
Chương trình đào tạo ít liên thông được với các ĐH có uy tín ở bên ngoài. Ngay trong nước, các ĐH của ta chưa có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ, góp phần tạo động lực cho kinh tế xã hội phát triển.
Đời sống của giảng viên ĐH, nhất là những thầy cô giỏi còn khá thấp, khiến họ không toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu, sáng tạo.
Phần đông sinh viên khi bước vào ngưỡng cửa ĐH có trình độ ngoại ngữ rất yếu, nhất là tiếng Anh. Đội ngũ giảng viên của ta vẫn còn quá quen thuộc với lối “đọc chép” bằng tiếng Việt.
Cơ sở vật chất của các ĐH còn quá nghèo nàn. Đầu tư của Nhà nước thực hiện một cách dàn trải, chưa tập trung cho một số trường có thành tích và ưu thế về đào tạo chuyên ngành
Vấn đề quản trị ở các ĐH còn quá lệ thuộc vào cấp trên, do vậy rất thụ động trong đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế dẫn đến thiếu tính thực tiễn và chưa gắn kết, đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Trong những năm qua, ĐH Duy Tân luôn hướng về cái đích “Đào tạo chất lượng cao trên cơ sở hợp tác quốc tế” và “Hợp tác với các trường Đại học có uy tín bên ngoài để đào tạo chât lượng cao ở một số ngành”. Trong đó, chúng tôi đã liên kết và thực hiện thành công chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin với trường ĐH Carnegie Mellon-1 trong 4 trường mạnh nhất về công nghệ thông tin của Mỹ. Quá trình liên kết, hợp tác, chúng tôi đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý. Đầu tiên là họ đã định hướng giúp cho chúng tôi biết cách “đứng trên vai người khổng lồ” thay vì mày mò tốn kém mà không đạt được đẳng cấp nào hết. Một kinh nghiệm nữa : đó là phải mời cho được càng nhiều giảng viên giỏi từ trường đối tác đến dạy ngay tại trường mình càng tốt. Điều này giúp đội ngũ giảng dạy của trường chuyên nghiệp hơn, môi trường làm việc của nhà trường cũng dần được “quốc tế hóa”. Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt quan tâm và nghiên cứu những phương pháp giảng dạy hiện đại mà các trường nước ngoài đang thực hiện tại trường mình, từ đó bổ sung, hoàn thiện và áp dụng. Điều này đi đôi với việc xây dựng chương trình cho mỗi môn học đều gắn với thực tiễn cuộc sống, từ đó, đã tạo ra những “sản phẩm qúy” cho xã hội. Đó là những sinh viên tự tin, phát huy tinh thần độc lập, sáng tạo cá nhân nhưng biết kết hợp làm việc theo nhóm một cách hiệu quả.
Trả lời câu hỏi : “ Liệu một trường ĐH tư thục có thể vươn lên đạt chuẩn đào tạo quốc tế hay không?”, theo tôi, trường ĐH tư thục ở nước ta hiện nay còn quá nhỏ và còn nhiều việc phải làm để hướng tới những chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, một trường ĐH tư thục có thể đạt chuẩn quốc tế ở một số ngành hoặc nhóm ngành nào đó nếu biết cách đầu tư chiêu mộ người tài, chịu khó học hỏi thông qua việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác với những trường ĐH danh tiếng, tạo lập được hệ thống quản trị tự chủ…
Đối với ĐH Duy Tân, trong kế hoạch và tầm nhìn đến những năm 2020, qua hợp tác với những trường có tầm cỡ của Mỹ như ĐH Carnegie Mellon, chúng tôi quyết tâm xây dựng hai ngành Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin của mình đạt được chuẩn ABET. Hiện chúng tôi đã liên kết với một trường có uy tín của Mỹ. Trong 10 năm tới nhất định sẽ đạt đến chuẩn ABET trong đào tạo chuyên ngành này.
Trần Ngọc-Thành Dương
(Nguồn : Thế giới mới-Số 857)