Đại biểu tham gia hội nghị tập huấn máy tính tuyển sinh ĐH, CĐ toàn quốc sáng 5-3 - Ảnh: Minh Giảng
Đây là những băn khoăn của nhiều sở GD-ĐT tham gia hội nghị tập huấn máy tính tuyển sinh ĐH, CĐ toàn quốc năm 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 5-3 tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Nội dung được các đại biểu quan tâm nhiều nhất đó là các thông tin mới, những thay đổi trong kỳ tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT nên các sở vẫn chưa có thông tin để triển khai thực hiện.
Xác định ưu tiên thế nào?
Điểm mới trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đó là việc thay đổi đối tượng ưu tiên cũng như cách xác định khu vực ưu tiên. Cùng là người dân tộc thiểu số, các năm trước những thí sinh này đều thuộc nhóm ưu tiên 1, nhưng năm nay chỉ những thí sinh có hộ khẩu tại các xã đặc biệt khó khăn theo quy định mới được hưởng ưu tiên 1, ngoài khu vực này sẽ thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 2. Điểm chênh lệch ưu tiên này là 1 điểm.
Trước đây, việc xác định ưu tiên được xác định theo nơi học THPT thì năm nay lại kết hợp với điều kiện về hộ khẩu khiến các địa phương rất lúng túng. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Giang đặt vấn đề: trong hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) chỉ xác định đến huyện. Giờ quy định đến cả xã để xác định ưu tiên khu vực, sở làm sao xác minh được. Nếu thí sinh khai không trung thực, ai là người chịu trách nhiệm?
Ông Lê Đình Dưỡng, phòng giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Quảng Nam, đặt vấn đề thí sinh có hộ khẩu ở xã đặc biệt khó khăn nhưng nếu học ở nơi khác thì sao? Việc xác định khu vực ưu tiên sẽ dựa vào căn cứ nào? Nếu thí sinh có hộ khẩu ở xã khó khăn nhưng học ở trường chuyên của tỉnh có được hưởng ưu tiên khu vực 1 không?
Trong khi đó ông Nguyễn Mạnh Hà, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nghệ An, cho rằng bộ dừng tuyển sinh hàng trăm ngành nhưng không có văn bản gửi cho các sở để các sở có căn cứ tư vấn và không nhận hồ sơ vào các ngành này để tránh thiệt thòi cho thí sinh. Năm nay bộ cho các trường tuyển sinh riêng với các tiêu chí khác nhau và ông đề xuất nếu muốn thi vào trường nào, thí sinh trực tiếp nộp vào trường đó, sở không nhận hồ sơ tuyển sinh riêng.
Tuần này ban hành quy chế tuyển sinh
Theo ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, thời gian nhận hồ sơ ĐKDT theo hệ thống sở GD-ĐT từ ngày 17-3 đến 17-4. Mẫu hồ sơ năm nay sẽ có một chút thay đổi so với năm 2013. Theo đó, trong hồ sơ có thêm mục dành cho thí sinh dự thi vào các trường tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, đại diện các sở GD-ĐT lo lắng đến thời điểm này, nhiều sở đã hoàn tất việc in ấn hồ sơ ĐKDT theo mẫu năm 2013 và bộ vẫn chưa gửi mẫu hồ sơ mới cho các sở. Làm thế nào để tránh lãng phí đối với lượng hồ sơ đã in? Một số sở cho rằng có thể sử dụng mẫu hồ sơ cũ và cho thí sinh ghi thêm một dòng nếu muốn thi vào các trường tuyển sinh riêng. Về vấn đề này, ông Nghĩa cho biết các sở chưa in hồ sơ ĐKDT thì tạm ngừng, chờ mẫu mới của bộ. Những sở đã in rồi, ông sẽ báo cáo lãnh đạo bộ để có hướng giải quyết, tránh lãng phí.
Với những băn khoăn về quy chế và cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, ông Nghĩa cho biết trong tuần này bộ sẽ ban hành quy chế tuyển sinh. Cuốn Những điều cần biết... do phải chờ thông tin về các trường tuyển sinh riêng nên năm nay phát hành trễ. Tuy nhiên, tài liệu này sẽ được phát hành trước ngày bắt đầu nhận hồ sơ ĐKDT để thí sinh có thể tham khảo đầy đủ thông tin trước khi ĐKDT.
MINH GIẢNG