Tin tức Tuyển sinh


Hướng tới một kỳ thi "hai trong một": Làm thế nào?

Thí sinh trước giờ thi tốt nghiệp THPT 2013.             ảnh: ngọc châu

Thí sinh trước giờ thi tốt nghiệp THPT 2013. Ảnh: Ngọc Châu

 

Không nên bỏ thi tốt nghiệp

 

“Cần thiết đánh giá kết quả phổ thông” là ý kiến của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa - giáo dục - Thanh thiếu nhi của Quốc hội. Theo ông Thi, nếu kỳ thi gắn với giáo dục phổ thông và làm được tốt thì ngoài việc công nhận tốt nghiệp, kết quả kỳ thi còn có thể làm căn cứ dùng thêm để tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

 

Ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng GD ĐH, Hiệp hội các trường NCL cho rằng, không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp vì nếu bỏ việc đánh giá học phổ thông thì mỗi nơi sẽ đánh giá một cách và tạo ra các chuẩn mực riêng.

 

Hai trong một- làm thế nào?

 

Kể từ khi ý tưởng có một kỳ thi với 2 mục đích xuất hiện, có khá nhiều ý kiến về việc tác hợp này.

 

GS Hoàng Xuân Sính khẳng định sự cần thiết phải tổ chức một kỳ thi mang tính chất quốc gia. Bà nói: “Gọi là kỳ thi tú tài hay tốt nghiệp THPT hay là gì cũng được nhưng phải dần dần đưa nó vào quỹ đạo nghiêm chỉnh chứ không để như thi tốt nghiệp THPT hiện nay.

 

Thi xong, người muốn làm thợ thì đi làm thợ; người muốn đi học ĐH thì đi học tiếp. Bà Sính cũng lưu ý không nên dàn đều theo kiểu điểm sàn hiện nay. Các ĐH trọng điểm như Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế... phải thi tuyển với điểm cao mới cho vào; các loại ĐH “làng nhàng” thì chỉ cần ghi danh” - bà Sính nói.

 

Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM băn khoăn với câu hỏi: 2 kỳ thi có 2 mục tiêu khác nhau - một là tổng kết 12 năm học; hai là hướng tới tuyển sinh vào ĐH, CĐ, vậy làm đề thi thế nào vấn đề không đơn giản.

 

Theo ông Nghĩa phân tích, đề thi sẽ phải có phần đánh giá kết quả 12 năm, phần để đánh giá năng lực học ĐH và một phần ở giữa 2 phần đó; nhưng ông vẫn băn khoăn: nhóm học sinh hướng tới ĐH chỉ chiếm, ví dụ 1/3 hay 2/5 thì số thí sinh còn lại đâu có cần phải làm tất cả các câu hỏi thi tiến tới ĐH và phải là đề thi thế nào để phân luồng thí sinh vào học CĐ, trung cấp chuyên nghiệp... Để ra được đề thi đòi hỏi phải nghiên cứu, tính đến kỹ thuật thi cử, chấm thi... sẽ tổ chức thi, ông Nghĩa nhấn mạnh, nếu giao cho địa phương phức tạp sẽ nhân ra 64 tỉnh, thành phố.

 

Kỳ thi quốc gia phải là kỳ thi tuyển!

 

Là ý kiến của GS Mai Trọng Nhuận, nguyên GĐ ĐHQG HN. Theo ông, việc tốt nghiệp THPT là để xác nhận việc hoàn thành kiến thức phổ thông vì vậy, việc học THPT nên được tổ chức học và thi theo tín chỉ. Ví dụ, ông Nhuận dẫn, ba năm phổ thông có tổng số bao nhiêu tín chỉ, học sinh nào học hết bằng ấy tín chỉ thì được công nhận tốt nghiệp; trong ba năm học, nếu chưa tích lũy đủ thì học tiếp và trách nhiệm là của giáo viên và hiệu trưởng. Việc thi và đánh giá đã được làm ở 6 học kỳ liên tục học sinh phải học nghiêm túc nếu muốn đạt kết quả tốt.

 

Theo ông, tổ chức thêm một kỳ thi cuối lớp 12 nữa, dù là 6 môn hay 4 môn, vừa tốn kém, vừa nặng nề mà kết quả luôn là 99% đỗ!

 

Kỳ thi quốc gia chỉ nên dành cho việc đánh giá năng lực và kỳ thi này phải do các tổ chức chuyên nghiệp, độc lập, được phép của Bộ GD&ĐT, đảm nhiệm.


Vấn đề đã rơi vào tình trạng “chín người, mười ý”, đòi hỏi ngành GD&ĐT phải cân nhắc thận trọng và nghiêm túc. Dù có thay đổi theo hướng nào, thiết nghĩ, ngành cần lấy ý kiến rộng rãi và có dự lệnh trước khi thực hiện; tránh thay đổi đột ngột như chủ trương giảm môn thi, tính kết quả học tập thi 4 môn chỉ chiếm 50% kết quả xét tốt nghiệp, 50% còn lại sử dụng kết quả học tập, rèn luyện lớp 12 mới đây đang gây xáo trộn trong dư luận học sinh và các nhà trường hiện nay.

 

Hồ Thu

Nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/huong-toi-mot-ky-thi-hai-trong-mot-lam-the-nao-683117.tpo

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.