Tin tức Tuyển sinh


Tuyển sinh 2014: “Chết” theo điểm sàn

  Đại diện các trường cao đẳng, trung cấp lo thiếu người học khi bỏ điểm sàn. Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM) Ảnh:  TẤN THẠNH

 Đại diện các trường cao đẳng, trung cấp lo thiếu người học khi bỏ điểm sàn. Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH

 

Dù điểm sàn những năm gần đây không cao nhưng các trường đại học (ĐH) ngoài công lập đã vét hết thí sinh khiến hệ cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) ngày càng kiệt quệ vì thiếu người học. TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết nếu bỏ điểm sàn thì phải đặt ra cái ngưỡng hay chuẩn tối thiểu cần có cho các bậc học.

 

Trường nghề khóc ròng

 

Ngoài một số trường tập trung đào tạo ngành thế mạnh, tình hình tuyển sinh không mấy biến động, hầu hết lãnh đạo các trường CĐ, TC cho biết rất lo lắng trước việc bỏ điểm sàn trong kỳ thi “3 chung” mà chưa có giải pháp thay thế. ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn, nhận định nếu các trường đào tạo ngành nghề khác không phải là ngành “hot” thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn tuyển.

 

Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng Phòng Đào tạo Trường TC Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, thổ lộ: “Chúng tôi lo lắm vì khi đó, các trường ĐH lo lấy đủ chỉ tiêu, sau đó đến các trường CĐ, vậy thì khi nào đến lượt mình. Nếu vậy, bộ chỉ nên cho các trường ĐH chỉ đào tạo ĐH, CĐ đào tạo CĐ và TC cũng thế. Tại sao lại cho hệ ĐH được đào tạo CĐ hay CĐ được đào tạo TC. Như vậy thì quá thiệt thòi cho các trường nghề”.

 

Theo ThS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường TC Đại Việt, nếu bỏ điểm sàn thì các trường TC chỉ còn biết “khóc ròng” vì những em học lực rất yếu mới vào hệ đào tạo này. Việc thắt chặt liên thông vừa qua đã khiến phần lớn thí sinh lâu nay coi hệ TC là chốn tạm dừng chân chấp nhận ở nhà lo luyện thi lên CĐ, ĐH còn hơn đi học nghề, học TC.

 

Chưa nên làm ngay, cần lộ trình

 

Theo TS Trần Mạnh Thành, năm ngoái, điểm sàn một số khối giảm, các trường đã tuyển sinh rất khó khăn. Vì vậy, cần những giải pháp tương đương điểm sàn để bảo đảm chất lượng đầu vào và bảo đảm khả năng phân luồng vào các hệ đào tạo. Các bậc học cũng cần có những chuẩn riêng. Ở một số quốc gia, khi sinh viên học các tín chỉ ở bậc CĐ vẫn được chấp nhận khi muốn học ĐH. Trong khi ở nước ta thì chặn lại bằng quy chế liên thông, không những gây khó khăn cho các trường, cho sinh viên mà còn hạn chế việc đào tạo theo tín chỉ.

 

TS Lê Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ Công Thương TP HCM, thẳng thắn: “Nếu bỏ điểm sàn cũng phải theo lộ trình chứ bỏ ngay thì các trường CĐ khó tồn tại”.

 

PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, đề xuất: Nếu bỏ điểm sàn, khi xét tuyển thì cần thêm những chỉ tiêu phụ thay thế để bảo đảm chất lượng đầu vào. Chỉ tiêu phụ là những yếu tố để bảo đảm tính công bằng và để học giỏi, có năng lực thực sự.

 

Phải nâng chất lượng đào tạo

 

Trước việc bỏ điểm sàn, nhiều ý kiến cho rằng các trường CĐ, TC buộc phải tăng chất lượng đào tạo, tăng tính cạnh tranh. PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn cho rằng thật ra không cần đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi trường cũng đã có những điểm sàn riêng. Đối với các trường có chất lượng thì điểm sàn bộ có đặt ra cũng không nhiều ý nghĩa. Trong năm 2013, trong khoảng 1,5 triệu thí sinh dự thi, chỉ khoảng 400.000 thí sinh vào các trường ĐH. Do đó, các hệ đào tạo thấp hơn sẽ không phải thiếu nguồn tuyển. Vấn đề là chất lượng của các hệ đào tạo này như thế nào, sinh viên sau khi ra trường đáp ứng được đòi hỏi công việc ra sao... thì mới thu hút được người học.

 
Đặng Trinh

Nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chet-theo-diem-san-20140226222506311.htm

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.