Thí sinh xem điểm thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Cú hích” phân tầng các trường
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần giao cho các trường tự xác định ngưỡng tuyển sinh của trường mình. Các trường cần công bố nhận từ mức điểm bao nhiêu rồi mới tiến hành xét tuyển. Để đảm bảo thương hiệu, các trường cũng không thể hạ thấp quá vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Ông Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cũng nhận định đã đến lúc giao cho các trường tuyển sinh nhưng phải đảm bảo sự công khai, minh bạch. Các trường phải công bố cho xã hội biết tiêu chí xét tuyển. “Các trường đào tạo chất lượng thấp cũng đồng nghĩa với việc tự đào thải mình”, ông Thắng khẳng định.
Thạc sĩ Đỗ Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cũng đề nghị mỗi trường sẽ quy định mức điểm sàn riêng của trường dựa vào kết quả kỳ thi này. Nhận định thêm, thạc sĩ Hợp cho rằng: “Việc bỏ điểm sàn có khi sẽ là cú hích cho việc phân tầng trường ĐH và CĐ trong thời gian tới. Bộ không cần đặt ra điểm sàn để quản lý chất lượng đầu vào của các trường, nhưng qua việc để các trường tự chủ trong xác định điểm sàn riêng sẽ khiến các trường tự chịu trách nhiệm trước xã hội”.
Cùng quan niệm để các trường tự quyết định ngưỡng đầu vào, tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích: “Trường nghiên cứu đòi hỏi thí sinh có năng lực lý thuyết cao, trường thực hành thì tập trung vào năng lực thực hành. Mỗi trường tự cân nhắc thu hút đủ sinh viên có năng lực để đào tạo. Các trường đẳng cấp, thứ hạng cao, nghiên cứu đòi hỏi tiêu chí cao”. Theo ông Quang, tiêu chí này phải minh bạch với xã hội.
Quy định các điều kiện tối thiểu
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, người đã nhiều năm đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn trong kỳ thi “3 chung”, bày tỏ quan điểm: “Bộ cần bỏ điểm sàn chung nhưng không có nghĩa là không có điểm sàn mà phải yêu cầu các trường có điểm sàn riêng của trường. Bộ chỉ cần quy định các điều kiện tối thiểu để được vào ĐH và vẫn cần tổ chức một kỳ thi chung, còn lại việc xét tuyển như thế nào là do các trường tự quyết định”. Ông Khuyến cho rằng để kiểm soát chất lượng thì việc tuyển sinh của từng trường phải công khai, minh bạch. Các trường phải tự chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và xã hội. Bộ GD-ĐT cần đưa ra các chế tài xử lý nghiêm những trường vi phạm quyền tự chủ.
Cũng tán thành việc bỏ điểm sàn, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lập luận: “Chủ trương này là quyết định đúng của Bộ trong bối cảnh tuyển sinh và đào tạo đã khác trước nhiều. Nếu vừa thi chung vừa thi riêng mà vẫn áp dụng một điểm sàn sẽ làm hạn chế quyền tự chủ các trường”. Tuy nhiên, tiến sĩ Dũng cho rằng bỏ điểm sàn thì Bộ cần có tiêu chí khác phù hợp hơn và tiêu chí này cần mang tính hướng dẫn thay vì áp đặt. Đặc biệt, tiến sĩ Dũng nhấn mạnh: “Cho phép các trường tự chủ nhưng không thể cho phép các trường tuyển sinh bằng mọi giá. Muốn vậy, việc đảm bảo chất lượng đào tạo không chỉ quản lý chặt đầu vào, mà cả quá trình đào tạo cho tới đầu ra”.
Ý kiến
Điều chỉnh cho phù hợp chứ không bỏ
Kỳ thi 3 chung hướng đến tiêu chí thống nhất về chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ. Trong đó điểm sàn là mức điểm tối thiểu để yêu cầu người học cần đạt được nếu muốn vào học các bậc đào tạo này. Nếu bỏ điểm sàn và thay thế bằng các tiêu chí khác, e rằng sẽ khó đảm bảo được yêu cầu trên. Do vậy, có thể điều chỉnh điểm sàn để phù hợp với tình hình tuyển sinh năm nay nhưng vẫn cần mức sàn chung cho những trường thi chung”.
Thạc sĩ HOÀNG ĐỨC BÌNH (GĐTrung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen)
Bỏ sàn thì không còn “3 chung”
Nếu bỏ sàn thì không cần tổ chức “3 chung” nữa. Như vậy có thể sẽ giống với phương án tuyển sinh riêng của các trường là dùng học bạ để xét tuyển. Lúc đó, các trường tốp dưới, đặc biệt là các trường CĐ, TCCN sẽ không thể tuyển được thí sinh vì khi không cần điểm sàn thì em nào cũng sẽ muốn vào học ĐH. Nếu còn kỳ thi ĐH-CĐ “3 chung” thì tôi nghĩ vẫn phải duy trì điểm sàn. Tuy nhiên cách tính điểm sàn như thế nào mới là điều cần bàn.
Tiến sĩ TRẦN MẠNH THÀNH (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt)
Phải có tiêu chí cụ thể
Việc bỏ điểm sàn sẽ không ảnh hưởng đến những trường tốp trên mà chỉ ảnh hưởng đến các trường phải xét tuyển nhiều nguyện vọng bổ sung. Như vậy, phải có các tiêu chí cụ thể dành cho thí sinh không đậu nguyện vọng 1. Chẳng hạn, các trường khi tuyển nguyện vọng bổ sung cần phải yêu cầu tiêu chí về học lực phổ thông hoặc phải có một ngưỡng điểm nào đó cho từng khối thi.
Ông VŨ VĂN HÒA (Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM)
Khó tìm ra phương án thay thế
Nếu không có điểm sàn sẽ xảy ra một số vấn đề. Đầu tiên là có quá nhiều giấy chứng nhận điểm. Trước đây, chỉ có thí sinh trên điểm sàn mới có giấy chứng nhận điểm. Đến lúc này, tất cả thí sinh đều có giấy chứng nhận điểm vì không có điểm sàn để phân chia nữa. Quan trọng hơn nữa là không có điểm sàn thì các trường thi “3 chung” sẽ xét tuyển dựa trên mức điểm nào? Khó có một phương án nào có thể thay thế điểm sàn hiện nay.
Thạc sĩ CỔ TẤN ANH VŨ (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Mỹ Quyên - Đăng Nguyên
|
Hà Ánh - Vũ Thơ - Đăng Nguyên
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140226/tieu-chi-nao-thay-diem-san-truong-tu-xac-dinh-nguong-tuyen-sinh.aspx