Tin tức Tuyển sinh


Giải pháp nào cho tuyển sinh Cao đẳng?

Một phòng thi chỉ lác đác vài thí sinh. Ảnh chụp tại kỳ thi tuyển sinh hệ CĐ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2013 - Ảnh: Như Hùng

 

* Ông NGUYỄN VĂN BỈNH (nguyên trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng):

 

Có cần thi khi các trường... mở cửa cho thí sinh vào?

 

Làm công tác đào tạo nhiều năm ở một trường CĐ, tôi biết rõ quy trình tổ chức thi tuyển tại các trường CĐ vào mỗi mùa tuyển sinh.

 

Trong tình thế tuyển sinh khó khăn, bản thân nhiều trường đặt ra chủ trương tổ chức một kỳ thi thật dễ, gần như mở cửa cho các em vào, coi thi dễ, khi chấm thi cũng nhắc nhở giám khảo nới tay, đến khi xét thì cứ qua sàn của bộ là cho đỗ. Tại Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng, năm 2013 là năm tuyển sinh bi đát nhất từ trước đến nay.

 

Tổng chỉ tiêu của trường là 1.200, nhưng chỉ có 600 hồ sơ đăng ký dự thi và số đến dự thi chỉ 300. Kết quả cuối cùng còn tệ hơn khi chỉ có gần 100 thí sinh trúng tuyển từ kỳ thi này và thêm 30-40 thí sinh trúng tuyển qua xét tuyển.

 

Đề xuất bỏ kỳ thi CĐ, xét tuyển từ kết quả THPT là một sáng kiến hay vì giảm bớt gánh nặng tốn kém cho Nhà nước, cho các trường khi phải tổ chức một kỳ thi vắng bóng thí sinh, số đến dự thi chưa lấp đầy 70% số hồ sơ đăng ký.

 

Các trường vẫn níu kéo việc tổ chức thi tuyển để vớt vát chút danh dự cho mình, nên nếu Bộ GD-ĐT bỏ hẳn kỳ thi thì trường này không phải nhìn trường kia mà gắng quá sức nữa. Còn nếu lấy kết quả thi ĐH để xét tuyển vào CĐ sẽ có cái khó cho cả. Bộ GD-ĐT cũng như các trường khi điểm sàn sẽ xác định thế nào?

 

Đề thi CĐ dễ hơn nên đặt ra ngưỡng điểm sàn 10-11 điểm cho ba môn là chấp nhận được. Đằng này đề thi ĐH khó hơn, nếu lấy điểm sàn từ 10 điểm trở lên sẽ khiến nguồn tuyển CĐ khan hiếm, mà lấy sàn dưới 10 điểm thì chắc ngành giáo dục không chịu nổi áp lực từ dư luận. Có lẽ đây là lý do quan trọng để lâu nay ta vẫn thấy có một đợt thi CĐ sau hai đợt thi ĐH căng thẳng.

 

PGS.TS LÊ TRỌNG THẮNG (Trường ĐH Mỏ - địa chất):

 

Các trường cần chủ động hơn

 

Nhìn thực trạng tuyển sinh của các trường mấy năm trở lại đây thấy rõ ràng việc tổ chức một đợt thi CĐ không mang lại hiệu quả gì nhiều. Bộ GD-ĐT cũng đặt ra chủ trương chỉ kéo dài “ba chung” đến hết năm 2016 cho tuyển sinh ĐH, CĐ thì có lẽ cũng nên nghĩ đến việc để tất cả các trường CĐ được thực hiện tuyển sinh riêng luôn, hoàn tất trước khối ĐH.

 

Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, tôi nghĩ chính các trường CĐ khi nhìn thấy rõ khó khăn của mình cần phải có tính chủ động cao hơn nữa.

 

Thật ra, Bộ GD-ĐT đã đặt ra chủ trương tất cả các trường phải tự tổ chức tuyển sinh từ năm 2007 và cho phép các trường có đề án phù hợp được thực hiện ngay từ năm 2014.

 

Nghĩa là các trường CĐ phải chủ động đề xuất phương án tuyển sinh của mình để được áp dụng càng sớm càng tốt những cách thi, xét tuyển cho phù hợp.

 

* PGS.TS HOÀNG MINH SƠN (trưởng phòng đào tạo ĐH, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội):

 

Không kịp để áp dụng ngay cho tất cả các trường

 

Về bản chất giảm bớt được một đợt thi là tốt, xét trên phương diện tài chính cũng như xét hiệu quả tuyển sinh của đợt thi CĐ mấy năm vừa qua không được như ý.

 

Song lâu nay thi CĐ được tổ chức với những quy định chung như kỳ thi ĐH, tuân thủ theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT ban hành. Do đó, nếu áp dụng một phương thức riêng đồng loạt cho tất cả các trường CĐ ngay mùa tuyển sinh 2014 thì cần sửa quy chế, mà thời điểm này chắc chắn không kịp.

 

Chuẩn bị cho những mùa tuyển sinh sau thì bộ nên cân nhắc việc này. Còn năm 2014, các trường CĐ muốn xét tuyển luôn thì xây dựng đề án theo chủ trương Bộ GD-ĐT đề ra.

 

* Ông NGUYỄN TOÀN (nguyên hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức):

 

Tổ chức kỳ thi 2 trong 1

 

Việc các trường CĐ tuyển sinh khó khăn có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về vấn đề liên thông. Quy định liên thông hiện nay chưa hợp lý, chưa có sự kế thừa kiến thức đã học ở bậc thấp hơn và buộc người học thi tuyển những môn không phục vụ việc học liên thông. Khó liên thông lên bậc cao hơn khiến nhiều người học từ chối bậc CĐ.

 

Việc đổi mới thi cử là cần thiết nhưng cần phải có giải pháp thiết thực và giải quyết được tận gốc vấn đề. Cho các trường tự chủ tuyển sinh, thi riêng chưa hẳn là giải pháp tốt, tốn kém và tác động rất lớn đến cả hệ thống.

 

Thay vào đó, bộ nên tổ chức kỳ thi hai trong một. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được đầu tư tổ chức nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất năng lực học sinh và các trường dùng kết quả này để xét tuyển tùy vào điều kiện của mình.

 

Sau kỳ thi này, bộ đưa ra phổ điểm và quy định mức điểm tối thiểu để được xét vào ĐH, dưới mức này học các bậc học thấp hơn. Nếu học sinh muốn vào ĐH có thể thi cải thiện một số môn vào kỳ thi năm sau. Và tốt nghiệp, học sinh, sinh viên được liên thông ngay lên bậc cao hơn chứ không cần phải đợi đủ 36 tháng như hiện nay.

 

GS NGUYỄN MINH THUYẾT:

 

Quyền của các trường

 

Khi tổ chức một kỳ thi, cần phải lưu ý tôn trọng đến nguyện vọng của thí sinh. Thực tế, nhiều em không có nhu cầu thi ĐH nên nếu bắt thí sinh muốn học CĐ phải thi ĐH để lấy kết quả đó xét tuyển thì không công bằng với chính nguyện vọng của các em. Song qua theo dõi các mùa tuyển sinh, đã thấy rõ càng ngày càng ít thí sinh đi thi CĐ như vậy thì cũng nên tính đến việc xét tuyển vào các trường CĐ để tiết kiệm.

 

Về lâu dài, quyết định phương thức tuyển sinh thế nào là quyền tự chủ của các trường, chứ không thể phụ thuộc kỳ thi “ba chung” mãi nữa. Các trường CĐ có thể xét tuyển từ kết quả thi các trường ĐH hoặc xét từ kết quả học tập THPT.

 

Bộ GD-ĐT đặt ra lộ trình đến năm 2017 các trường sẽ phải tự chủ tuyển sinh, nhưng với các trường CĐ thì nên chăng bộ đặt ra phương án để các trường này tự quyết luôn.
 

Ông TRẦN MẠNH THÀNH (phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt):

 

CĐ ngắc ngoải nếu tuyển sinh riêng

 

Kỳ thi tuyển sinh “ba chung” cũng có ưu điểm khi định điểm sàn và phân luồng được học sinh. Tuy nhiên quy định mới về liên thông đã khiến người học quay lưng với bậc CĐ khiến các trường tuyển sinh rất chật vật. Nói gì thì nói, tâm lý phải vào ĐH của người VN đã ăn sâu vào tiềm thức người dân.

 

Năm nay, với một số phương án tuyển sinh riêng của các trường chỉ dựa vào kết quả THPT nếu được phê duyệt, trường trung cấp sẽ chết, trường CĐ thì ngắc ngoải. Nếu thi “ba chung”, các trường CĐ còn tuyển được thí sinh dưới sàn ĐH. Giờ thì học sinh vào ĐH hết. Như đã nói, hầu hết học sinh muốn vào ĐH nhưng còn bị giới hạn bởi điểm sàn. Giờ không còn gì giới hạn thì ai còn chịu học CĐ nữa. Đó là chưa kể các trường ĐH còn tuyển vượt chỉ tiêu.

 

Thi “ba chung” dần dần phải bỏ nhưng cần có giải pháp thay thế để hài hòa sự tồn tại và phát triển của cả hệ thống. Theo đó, thay thế cho kỳ thi “ba chung” là một kỳ thi sát hạch năng lực toàn quốc. Từ kết quả này, Bộ GD-ĐT đặt ra mức điểm nào được đăng ký vào ĐH, mức điểm nào phải học bậc thấp hơn để đảm bảo tính phân luồng. Tự chủ tuyển sinh quá sớm, không đồng bộ với các chính sách khác sẽ gây rối loạn trong tuyển sinh, các trường CĐ vốn tuyển sinh khó khăn nay sẽ càng khó khăn hơn.


NGỌC HÀ - MINH GIẢNG ghi

Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuyen-sinh/594874/giai-phap-nao-cho-tuyen-sinh-cao-dang.html

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.