Thí sinh xem kết quả thi vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Kết hợp nhiều tiêu chí
Vì sao Bộ GD-ĐT lại quyết định bỏ điểm sàn trong kỳ thi “3 chung”, trong khi trước đó Bộ quan điểm rằng đây là tiêu chí tối thiểu để đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ?
Hiện nay, mục tiêu của việc tuyển sinh đã khác trước. Để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo, đòi hỏi việc đào tạo phải phát huy năng lực của người học. Vì vậy, việc tuyển sinh cũng phải hướng đến tuyển theo năng lực chứ không còn là kiểm tra kiến thức. Bộ GD-ĐT thấy rằng đã đến lúc dùng điểm sàn để làm ngưỡng tối thiểu vào ĐH, CĐ không còn phù hợp nữa. Cần có các tiêu chí khác thay thế để đánh giá đúng năng lực của người học. Hơn nữa, năm nay Bộ đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Một số trường tuyển sinh riêng đã có những tiêu chí khác để làm ngưỡng xét tuyển nên điểm sàn sẽ không còn là điều kiện duy nhất làm tiêu chí xét tuyển.
Nếu bỏ điểm sàn thì Bộ sẽ có phương án nào để thay thế, thưa ông?
Bộ GD-ĐT đang xem xét, nghiên cứu một vài phương án để thay thế tiêu chí về điểm sàn. Những phương án này chưa thể công bố vì còn tính toán và xem xét trước khi lấy ý kiến của xã hội. Tiêu chí mới sẽ hướng tới tuyển thí sinh theo năng lực thay vì chỉ kiểm tra kiến thức như trước đây. Ví dụ, thay vì chỉ có một tiêu chí là đủ điểm sàn mới trúng tuyển ĐH thì nay có thể kết hợp với việc xem xét kết quả môn thi có phù hợp với ngành học hay không. Có thể tổng điểm 3 môn thi thấp nhưng có môn thi phù hợp với ngành học mà thí sinh đăng ký đạt điểm cao vẫn trúng tuyển.
Không buông chất lượng đầu vào
Có ý kiến cho rằng Bộ nên để các trường tự quyết ngưỡng đầu vào để thể hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường. Bộ chỉ cần là đơn vị kiểm tra, giám sát. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Với những trường có đề án tuyển sinh riêng, dù không cùng thước đo chung là điểm sàn nhưng phải công bố các ngưỡng đảm bảo chất lượng. Đề án nào phù hợp và đảm bảo chất lượng thì mới được tự chủ trong tuyển sinh. Quan điểm của Bộ là không buông lỏng chất lượng đầu vào. Đối với những trường chưa có đề án và vẫn tham gia thi “3 chung” thì vẫn phải tuân thủ những tiêu chí đảm bảo chất lượng nguồn tuyển mà Bộ sẽ ban hành. Hội đồng tư vấn của Bộ sẽ xây dựng và công bố ngưỡng vào ĐH, CĐ để các trường làm căn cứ xét tuyển. Ngưỡng này sẽ đảm bảo không bỏ sót những thí sinh có năng lực vào học.
Vậy theo ông những tiêu chí đảm bảo chất lượng đó là gì?
Khi còn thi “3 chung” và vẫn là cách thi kiểm tra kiến thức thì tiêu chí đảm bảo chất lượng vẫn phải dựa vào phổ điểm thi của thí sinh. Dù không có một mức điểm sàn chung nhưng dựa trên mức điểm thi của thí sinh, có thể Bộ sẽ thống kê và công bố phổ điểm của từng môn thi, từ đó đưa ra những mức điểm tương ứng với số phần trăm thí sinh đạt được. Dựa vào những mức điểm này, các trường có thể lựa chọn phương án xét tuyển. Tuy nhiên, Bộ có thể giới hạn mức điểm thấp nhất là bao nhiêu để các trường không thể lấy ở mức thấp quá. Đây cũng sẽ là bước tập dượt để phân tầng ĐH.
Cũng có ý kiến đề xuất nên thay thế điểm sàn bằng điểm liệt cho từng môn. Ông nghĩ sao về phương án này và khi nào thì Bộ sẽ công bố phương án thay thế điểm sàn?
Đó cũng là một phương án để phân luồng thí sinh. Mục tiêu của phương án nào thì cũng chỉ nên để 50 - 60% thí sinh đủ điều kiện vào ĐH, CĐ. Bộ sẵn sàng lắng nghe và hoan nghênh các đề xuất phương án thay thế cho điểm sàn. Việc xem xét đến ngưỡng đảm bảo chất lượng nguồn tuyển cũng chỉ thực hiện được khi có kết quả thi của thí sinh. Từ nay đến khi đó, Bộ sẽ nghiên cứu và công bố các phương án để xã hội đóng góp ý kiến. Nếu phương án nào phù hợp thì sẽ được triển khai.
Vũ Thơ