Tin tức Tuyển sinh


Học phí cao, hồ sơ ít

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT
Ngày 8-9, có mặt tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, chúng tôi thấy chỉ có một vài thí sinh đến tìm hiểu thông tin xét tuyển nguyện vọng (NV) 2. Dù thời hạn nộp hồ sơ sắp kết thúc (hạn ngày 10-9), đến nay, trường chỉ nhận được khoảng 200 hồ sơ, so với chỉ tiêu là 500 sinh viên. Nhiều trường ĐH ngoài công lập khác, có mức học phí hàng chục triệu đồng/năm cũng nhận được ít hồ sơ so với số cần tuyển.
             
Thí sinh nộp hồ sơ xét NV 2 tại ĐH Kỹ thuật Công Nghệ TPHCM. Ảnh: T.Giang

Rào cản học phí

Ông Nguyễn Thế Lộc, cán bộ Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, giải thích: “Mục tiêu đào tạo của trường là theo hướng chất lượng cao, đầu tư công nghệ giảng dạy và phương pháp hiện đại nhưng nhiều phụ huynh không hiểu hết, chỉ nghe học phí cao (bình quân 45 triệu đồng/năm) là... rút lui”. Tương tự như vậy, đến nay Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng chỉ nhận được hơn 200 hồ sơ đăng ký NV 2 trong khi chỉ tiêu tuyển là 800 sinh viên. Học phí tại trường này khoảng 36 triệu – 41 triệu đồng/năm (chương trình dạy bằng tiếng Việt).

Ở phía Bắc, năm đầu tiên tuyển sinh với mức học phí lên đến khoảng 90 triệu đồng/năm, Trường ĐH Tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị cũng chịu chung tình hình. Dù chỉ tuyển 300 chỉ tiêu và thông báo sẽ có chính sách hỗ trợ học bổng toàn phần, bán phần nhưng đến thời điểm này, lượng hồ sơ xét tuyển NV 2 vào trường khá hạn chế. Chắc chắn để có thể tuyển đủ chỉ tiêu, trường sẽ phải xét tuyển đến NV 3.
Tại Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, tuy chỉ tiêu là 600 sinh viên nhưng đến thời điểm này,  chỉ mới nhận được hơn 250 hồ sơ xét tuyển NV 2. Theo đánh giá của một cán bộ tuyển sinh nhà trường, sở dĩ số hồ sơ năm nay thấp là do rất nhiều trường ĐH công lập lấy điểm chuẩn sát điểm sàn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận mức học phí lên đến 18 triệu đồng/năm (đối với ngành kinh tế) và 20 triệu đồng/năm (đối với ngành kỹ thuật), thực sự là một rào cản đối với các thí sinh, đặc biệt là thí sinh nông thôn

 

Tiếp tục tuyển NV 3

Tuy mức học phí có nhẹ hơn các trường trên nhưng tại các trường ĐH khác như Hồng Bàng, Hùng Vương, Văn Hiến, Kỹ thuật Công nghệ TPHCM... cũng có lượng hồ sơ đăng ký NV 2 không cao. Trường ĐH Dân lập Văn Hiến đến nay chỉ nhận trên 1.000 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu là 1.700. Trường ĐH Tư thục Quốc tế Hồng Bàng cũng chỉ nhận được gần 2.000 hồ sơ/4.000 chỉ tiêu.

Cũng có chung nỗi lo không tuyển đủ thí sinh là Trường ĐH Thành Tây, Hà Nội. Được giao 1.500 chỉ tiêu nhưng đến nay, lượng hồ sơ thí sinh gửi về trường rất khiêm tốn, chắc chắn trường phải tuyển NV 3. Hầu hết các trường ĐH dân lập, tư thục đều cho biết tiếp tục xét tuyển NV 3, nhằm thu hút những thí sinh rớt NV 2 từ các trường công lập. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, thừa nhận nhà trường đang gặp khó khăn trong tuyển sinh. Do vậy, để tuyển đủ 2.250 chỉ tiêu, chắc chắn trường sẽ phải xét tuyển NV 3...

Ông Lưu Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cho biết một số ngành như công nghệ tự động, cơ điện tử, điện tử viễn thông mỗi ngành mới nhận được từ 20-40 hồ sơ và ngành tiếng Anh cũng nhận được rất ít hồ sơ. Do đó, trường dự kiến sẽ tuyển thêm NV 3 khoảng 40-50 chỉ tiêu cho mỗi ngành. 
Tại Trường ĐH Hùng Vương, các ngành công nghệ thông tin, công nghệ thông tin sau thu hoạch, công nghệ kỹ thuật xây dựng và các ngành ngoại ngữ như ngành tiếng Nhật, tiếng Anh cùng với ngành du lịch, hiện nhận được rất ít hồ sơ. Trường dự kiến sẽ tuyển NV 3 các ngành này, chỉ tiêu mỗi ngành khoảng 30 – 50. Trường ĐH Văn Lang cũng dự kiến tuyển NV 3 các ngành kỹ thuật nhiệt, công nghệ thông tin, tiếng Anh.

Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM cho biết một số ngành như tiếng Trung, tiếng Hàn, Trung Quốc học hiện mỗi ngành nhận được chưa đến 10 hồ sơ. Với lượng hồ sơ hiện có 2.100/2.000 chỉ tiêu, cộng thêm số lượng thí sinh ảo, dự kiến, trường sẽ gọi hết thí sinh đã đăng ký xét tuyển NV 2 và phải xét tuyển thêm NV 3.

Nguy cơ đóng cửa ngành học

Theo đánh giá của nhiều trường ĐH, bên cạnh học phí cao, nguyên nhân khiến số hồ sơ nộp vào trường ngoài công lập hạn chế là do hệ số dôi dư giữa chỉ tiêu với  điểm sàn xét tuyển hơi hẹp. Thêm vào đó, nhiều trường công lập tuyển sinh hệ ngoài ngân sách cũng đã thu hút một lượng lớn thí sinh. Đó là chưa kể đến một lượng lớn các trường công lập không tổ chức thi lấy điểm chuẩn sát điểm sàn.

Tình trạng khan hiếm thí sinh như hiện nay sẽ khiến nhiều trường không sắp xếp được các ngành học một cách hợp lý, dẫn đến mất cân đối trong đào tạo giữa các ngành trong trường hoặc đóng cửa ngành học vì không đủ sinh viên để mở lớp. 

Y.A

 

Theo Người Lao Động

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.