Tin tức Tuyển sinh


Hạn chót nguyện vọng 2

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT

Ngày mai 10.9, khi hết giờ làm việc theo thông lệ của bưu điện, các trường sẽ chấm dứt việc nhận hồ sơ (HS) xét tuyển nguyện vọng (NV) 2. Trong khi có nhiều ngành của nhiều trường đã vượt chỉ tiêu, lại có những ngành chỉ nhận được số lượng HS rất thấp.

Hồ sơ thừa vẫn không đủ chỉ tiêu

Phần lớn các trường cho biết, thí sinh (TS) nộp HS không đồng đều vào các ngành, do đó chuyện thừa thì vẫn thừa mà thiếu vẫn cứ thiếu. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó phòng đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết: “Trường lấy 500 chỉ tiêu NV2 thì tính đến thời điểm chiều 8.9 cũng nhận được khoảng gần 500 HS. Tuy nhiên TS nộp vào khối C nhiều hơn là khối D. Ngành nhận được nhiều HS nhất là Giáo dục học, do đó điểm chuẩn ngành này có thể sẽ cao hơn điểm sàn xét tuyển”.

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho hay, ngành Sử - Giáo dục quốc phòng của trường có lượng HS vượt chỉ tiêu, điểm chuẩn chắc chắn sẽ cao. Trong khi đó những ngành như song ngữ Nga - Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, các ngành cử nhân... thì lại thiếu rất nhiều. Trường lấy 800 chỉ tiêu thì đến nay cũng mới nhận được lượng HS tương đương. “Năm ngoái trường xét NV2, NV3 rất nhiều nhưng đến khi nhập học vẫn thiếu 16% chỉ tiêu. Sở dĩ như vậy là có nhiều em đỗ nhưng lại không nhập học” - ông Lâm nói thêm.

 

Trường lấy 500 chỉ tiêu NV2 thì tính đến thời điểm chiều 8.9 cũng nhận được khoảng gần 500 HS. Tuy nhiên TS nộp vào khối C nhiều hơn là khối D

 

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó phòng đào tạo trường ĐH KHXH và NV TP.HCM

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đến ngày 8.9 cũng nhận được tới 2.000 HS trong khi chỉ tiêu chỉ lấy 600. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng đào tạo vẫn lo ngại những ngành như Cơ kỹ thuật, Thiết kế máy, Kỹ thuật nữ công sẽ không đủ chỉ tiêu do TS tập trung hết vào các ngành Kỹ thuật điện - điện tử, Cơ khí chế tạo máy, Điện công nghiệp... Với những ngành nhiều HS này, điểm chuẩn sẽ khoảng 15-16 điểm trở lên. Ông Nguyễn Tưởng Duy - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng cho hay, trường nhận được vài ngàn HS nhưng nhóm ngành kỹ thuật lại có nguy cơ thiếu chỉ tiêu như ngành Quan hệ lao động, Kỹ thuật điện - điện tử và viễn thông, Toán - Tin, Xây dựng cầu đường...

Thí sinh đổ xô vào ngành kinh tế

Dù chưa có thống kê đầy đủ về tình hình nộp HS đăng ký xét tuyển NV2 của TS năm nay, nhưng những số liệu ban đầu cho thấy sự lựa chọn ngành nghề của TS có nhiều biến động. Tuy nhiên những lựa chọn ấy có thực sự phù hợp với yêu cầu xã hội hay không?

Số liệu từ các trường ĐH-CĐ có tuyển sinh NV2 cho thấy, ở tất cả các trường, khối ngành kinh tế đã được TS “lao” vào đông nhất, đặc biệt là ngành Tài chính - Ngân hàng, Kế toán. Hầu như các ngành này ở các trường có tuyển NV2 đã thừa chỉ tiêu với dự báo mức điểm tăng cao so với điểm sàn nhận HS. Vì sao TS lại thích các ngành nghề này? Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - nơi đã nghiên cứu và đưa ra những dự báo về nhu cầu của thị trường lao động thì những ngành như tài chính, ngân hàng, địa ốc, khách sạn, du lịch, nhà hàng... là những ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao nên cơ hội việc làm lớn. Tuy nhiên không phải ngành nào thuộc lĩnh vực kinh tế cũng sẽ có cơ hội việc làm cao, bởi trên thực tế một số chuyên ngành đã bão hòa. Cũng theo bà Hương thì ngành kế toán mặc dù năm nay được TS lựa chọn rất nhiều nhưng theo dự báo thì ngành này đã đến giai đoạn bão hòa. Bà Hương cho rằng, khi TS lựa chọn ngành nghề, họ chỉ nhìn thấy những ngành đang có mức lương cao và có nhiều việc làm nhưng như thế là chưa đủ, bởi phải nhìn được ngành nghề đó sau 5 năm nữa có còn tiếp tục phát triển hay không. Có thể những ngành này giờ đang đến đỉnh cao thì sau 5 năm nữa, nhu cầu xã hội sẽ cân bằng. Chỉ những ngành tiền lương ở mức rất cao thì sau 5 năm nữa vẫn có thể còn thiếu nguồn nhân lực. Với những ngành tiền lương vừa phải tức là nhu cầu lao động đã bão hòa và tỷ lệ thất nghiệp đang cao thì sẽ khó có việc làm.

Lý giải về việc các trường đã tuyển sinh phù hợp với yêu cầu xã hội hay chưa, ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GD-ĐT cho rằng: thực tế hiện nay, khi đề xuất chỉ tiêu đào tạo hằng năm, các cơ sở đào tạo có khả năng về giảng viên, cơ sở vật chất và nguồn tài chính đến đâu thì đào tạo đến đó, chưa thật sự chú ý đến nhu cầu về số lượng và chất lượng lao động của xã hội, chưa quan tâm đúng mức đến đánh giá chất lượng và hiệu quả, đến việc sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm hay không, chất lượng đào tạo có đáp ứng yêu cầu của cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động hay không...

Nghịch lý ngành công nghệ, kỹ thuật 

Cũng theo dự báo của Viện Nghiên cứu lao động xã hội thì trong 5 năm tới những ngành vẫn thiếu hụt nhân lực có ngành công nghệ thông tin (CNTT). Tuy nhiên, năm nay, ngành này đã không còn được TS mặn mà nữa. Tại các trường có tuyển sinh ngành CNTT đều cho biết đang thiếu chỉ tiêu xét tuyển. Lý giải về điều này, tiến sĩ Lê Thống Nhất - chuyên gia tư vấn về tuyển sinh cho rằng: mặc dù nguồn nhân lực thiếu nhưng lâu nay việc đào tạo ở các trường ĐH-CĐ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ông Nhất cho rằng lượng nhân viên CNTT còn rất khiêm tốn về cả chất lẫn lượng là do phương pháp đào tạo và ý thức học tập của các em. Có rất nhiều nhân viên CNTT thiếu kỹ năng chuyên môn lẫn tiếng Anh. Hiện tại có đến 70% các DN phải bỏ thời gian đào tạo lại cho nhân viên nếu không có những chính sách ưu đãi cho những nhân viên giỏi. Ông Nhất nói: “Theo tôi được biết, năm 2010 cầu nhân lực về CNTT vào khoảng 100.000 và đến năm 2015 là khoảng 330.000. Đó là một con số khá lớn mà các trường vẫn chưa đáp ứng”. 

Một chuyên gia đào tạo về CNTT của ĐH FPT cũng cho rằng: hiện nhiều trường mở ra ngành học này nhưng sinh viên thấy học xong ra vẫn khó kiếm việc làm nên không còn thích thú nữa. Thực tế các doanh nghiệp hàng đầu về CNTT chỉ tuyển được khoảng 10% số SV tốt nghiệp từ các trường. Trong khi đó nhu cầu về ngành này vẫn rất cao và đang thiếu nhân lực. 

Cũng trái với dự báo về nguồn nhân lực, năm nay TS rất thờ ơ với khối ngành công nghệ ở các trường có tuyển NV2. Dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong 5 năm tới, bà Lan Hương cho biết: những ngành có lợi thế của Việt Nam như điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành... cũng sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy đây sẽ là những ngành sẽ có cơ hội việc làm cao. Thế nhưng những lựa chọn của TS thì lại trái ngược. 

Phải chăng do TS không nhìn thấy triển vọng của các ngành này hay chất lượng đào tạo của các trường đã không đủ động lực để thu hút TS?


 Theo Thanhnien.com.vn

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.