Lộ trình này có thể đi theo hai cách. Thứ nhất, có thể chuyển từ “ba chung” sang “hai chung”. Khi đó, Bộ vẫn đứng ra tổ chức kỳ thi chung đề và chung đợt cho tất cả các trường trong toàn quốc. Riêng khâu xét tuyển đơn giản hơn Bộ có thể để các trường chủ động. Sau đó tiến tới “một chung” trước khi để các trường tổ chức thi riêng.
Cách thứ hai, có thể thay đổi theo hướng chuyển từ “ba chung” toàn quốc sang tổ chức thi riêng ở một số nhóm trường theo đặc thù địa lý hoặc ngành nghề. Khi đó, các trường này phải cùng đồng thuận với nhau về các giải pháp kỹ thuật của kỳ thi từ ngày giờ tổ chức thi, mẫu hồ sơ đăng ký dự thi, cách thức nhận hồ sơ, môn thi, khối thi, xét tuyển... Đặc biệt, việc cho nhóm các trường cùng tổ chức thi sẽ là phương án hay để giảm bớt sự tốn kém về tài chính, cũng như huy động nguồn lực chung các trường trong việc tổ chức ngân hàng đề thi. Ngay cả với thí sinh, khi nhóm các trường cùng tổ chức thi sẽ tạo ra sự liên thông trong xét tuyển các trường nên thí sinh có nhiều cơ hội hơn việc từng trường tổ chức thi riêng.
Tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh, dù theo cách nào thì kỳ thi “ba chung” cũng cần có bước chuyển mình, không thể ngay lập tức “rã đám” để từng trường tuyển sinh riêng. Vì như vậy, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ khó tránh được việc quay lại thời kỳ thi riêng trước khi bắt đầu “ba chung” hiện nay. Thêm vào đó, một trong những tiêu chí quy định tuyển sinh riêng Bộ nêu ra trong dự thảo vừa được công bố, các trường tổ chức thi riêng không được để xảy ra tình trạng ôn luyện thi riêng tràn lan. Tiến sĩ Nghĩa cho rằng tiêu chí này rất khó thực hiện vì sẽ có nhiều hình thức biến tướng khác nhau của việc luyện thi, và cũng không phải là vấn đề mấu chốt của việc tuyển sinh riêng hiệu quả.
Hà Ánh