Tin tức Tuyển sinh


Đổi mới tuyển sinh Đại học: Phải bảo đảm chất lượng đầu vào

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT

Khi các trường được trao quyền tự chủ, liệu có đảm bảo chất lượng đầu vào? Trong ảnh: Thí sinh thi vào Trường ĐH Y Dược TPHCM kỳ thi tuyển sinh đại học 2013. Ảnh: Mai Hải


Vẫn “lưu luyến” với thi đại học “3 chung” 

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, sau khi lấy ý kiến trong ngành và xã hội, tới đây bộ sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh. Tinh thần chung sẽ tạo ra một cơ chế rất mở, tạo thuận lợi nhất cho các trường và thí sinh.

Trong vòng 3 năm tới, bộ vẫn tổ chức kỳ thi ĐH “3 chung” để hỗ trợ những trường chưa có đề án tuyển sinh riêng. Còn sau đó, tuyển sinh ĐH hoàn toàn tự chủ. Đến nay mới chỉ có 17 trường ngoài công lập có đề án tuyển sinh riêng gửi về bộ. Như vậy, ngay trong năm 2014 có thể một số trường ngoài công lập thực hiện tuyển sinh riêng.

 

Chia sẻ ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố thông tin mới về phương hướng tuyển sinh ĐH năm 2014, đa số các trường công lập cho biết, lộ trình 3 năm để chuyển giao hoàn toàn từ thi ĐH “3 chung” sang thi riêng là hợp lý.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, nói, Bộ GD-ĐT đã tính toán kỹ lộ trình này. Lộ trình 3 năm nữa vẫn thi chung trừ các trường thi riêng là hợp lý. Chúng ta cần tiến từng bước một để tránh sốc cho người học. Trường ĐH Y Hà Nội cũng sẽ chuẩn bị tinh thần để làm đề án tuyển sinh riêng.

Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cũng chia sẻ, trường chưa chuẩn bị được đề án tuyển sinh riêng nên trước mắt trong 3 năm tới vẫn tổ chức thi ĐH “3 chung”, chừng nào bộ thôi tổ chức chung thì trường sẽ “ra riêng”.

 

Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, Đinh Xuân Khoa, cũng cho rằng, qua thực tiễn tuyển sinh của trường cho thấy kỳ thi ĐH 3 chung rất hiệu quả. Thi ĐH “3 chung” đảm bảo sự an toàn, nhất là trong khâu ra đề. Đồng thời tạo ra mặt bằng để chất lượng giáo dục ĐH được nâng lên cùng lúc, đảm bảo tính ổn định của cả hệ thống. Tuy nhiên, khi các trường ĐH bắt buộc phải tự chủ tuyển sinh, Trường ĐH Vinh sẽ có đề án tuyển sinh riêng.

 

Như vậy có thể thấy, các trường công lập rất “lưu luyến” với thi ĐH “3 chung”. Trong vòng 3 năm tới - giai đoạn trung chuyển từ chung sang riêng mà bộ đưa ra, chắc chắn sẽ có ít trường công lập thi riêng.

 

Theo lý giải của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, một trong những khó khăn đối với các trường khi tuyển sinh riêng là việc ra đề. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho hầu hết trường công lập vẫn “chung thủy” với “3 chung”. Tuy nhiên, khi đã chính thức tổ chức thi riêng, ra đề sẽ phải là công việc của trường. Đó chỉ là một trong nhiều công việc mà các trường cần đáp ứng để đảm bảo có một kỳ thi đầu vào đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

 

Sinh viên Khoa Hóa, Trường ĐH KHTN TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Mai Hải

 

Sẽ có những nhóm đại học “3 chung”?

 

Thi ĐH “3 chung” hết sứ mệnh lịch sử, trường ĐH tự chủ tuyển sinh, đã được dự báo. Vì vậy, vấn đề hiện nay là quy chế tuyển sinh sẽ được sửa đổi thế nào để bảo đảm được tính tự chủ trong tuyển sinh của các trường. Còn lại, điểm mới đáng lưu ý nhất, cũng là phương án tuyển sinh để các trường có thể lựa chọn trong tương lai mà Bộ GD-ĐT đưa ra, là các trường có thể thỏa thuận với trường có đề án tuyển sinh phù hợp đã được Bộ GD-ĐT xác nhận đáp ứng các yêu cầu theo quy định để tổ chức thi tuyển sinh theo đề án của trường đó.

 

Với phương án trên, sau này có thể hình thành những nhóm ĐH “3 chung” mà các trường cùng nhóm sử dụng chung kết quả thi. Kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường ĐH tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án.

 

Bình luận về điểm mới “nhóm chung” này, ông Nguyễn Hữu Tú cho rằng phương án mà bộ đưa ra về bản chất cũng sẽ là thi ĐH chung. Tuy nhiên, thay vì “3 chung” của cả nước thì sẽ là “3 chung” của một nhóm trường, tức là quy mô “chung” nhỏ hơn và có thể phù hợp với từng khối ngành.

 

Cũng về điểm mới này, ông Lê Trường Tùng, Trường Hiệu trưởng ĐH FPT, phân tích, những nhóm trường thi chung này sẽ là một phương án hợp lý. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là việc sử dụng kết quả thi. Các trường có thể kết hợp thi tuyển và xét tuyển, vì đó là cách tuyển sinh tốt nhất, nhưng theo tôi xét tuyển phải là chính yếu. Ví dụ một nhóm trường có thể thỏa thuận để tổ chức thi chung, nhưng chỉ sử dụng kết quả thi là một phần tiêu chí, còn lại là xét tuyển theo tiêu chí riêng của mình, đúng bản sắc đào tạo của mình.

 

Quan trọng nhất là chất lượng đầu vào

 

Một trong những điều khiến dư luận băn khoăn, lo lắng, là chất lượng đầu vào khi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trong nội dung đề án tuyển sinh của các trường đều phải nói rõ ngưỡng đảm bảo chất lượng. Như vậy, trường không thể tùy tiện lấy thí sinh cho đến khi đủ chỉ tiêu mà phải đảm bảo ngưỡng chất lượng tối thiểu đã nêu tại đề án. Các trường có trách nhiệm tự thanh tra, kiểm tra, tự giám sát, tự làm tốt công việc tuyển sinh trước khi thanh tra Bộ GD-ĐT thực hiện công tác thanh tra của mình.

 

Trước đây, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện theo quy chế của Bộ GD-ĐT, bởi số lượng trường rất nhiều nên bộ không thể kiểm tra hết. Giờ từng trường có quy định về công tác thanh tra, kiểm tra trong đề án tuyển sinh riêng, do đó sẽ có trách nhiệm rất cao trong việc mình làm đúng hoặc sai và phải nghiêm chỉnh làm theo đúng cam kết.

 

Trong khi đó, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cũng hy vọng: “Nhà trường tồn tại, phát triển bằng chất lượng thực và tuyển sinh đầu vào là một yếu tố đảm bảo chất lượng. Khi Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, mỗi trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng đầu vào, cũng chính là chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, về sự phát triển bền vững của trường đó”.

 

Song song đó, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tuyển sinh của các trường. Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra bộ, các địa phương, các bộ, ngành trong vấn đề này. Kết quả thanh tra sẽ được công bố công khai để toàn xã hội giám sát. Trường nào sai phạm sẽ chịu chế tài nghiêm.

 

Như vậy, sau 12 năm thí điểm thi ĐH “3 chung”, sắp tới, Bộ GD-ĐT quyết định quay lại như cũ, tức là để từng trường tuyển sinh riêng. Vì vậy, dư luận cũng đang mong Bộ GD-ĐT đánh giá chất lượng của sinh viên sau 12 năm thi ĐH chung.

 
LÂM NGUYÊN

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2013/12/334946/

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.