Tin tức Tuyển sinh


"Chùn chân" với phương án tuyển sinh riêng

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT
Nếu thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ tổ chức thi riêng sẽ không được xét tuyển sang trường khác.
Nếu thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ tổ chức thi riêng sẽ không được xét tuyển sang trường khác.
 
Thi riêng, rủi ro lớn!

 

Điểm mới trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 là Bộ GD-ĐT cho phép các trường được tuyển sinh riêng nhưng kết quả thi chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển theo cùng đề án, không được sử dụng kết quả của kỳ thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức để xét tuyển.

 

Hiện nay có 17 trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng trình Bộ GD-ĐT đều là những trường ngoài công lập. Tại buổi công bố dự thảo phương án tuyển sinh 2014, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Sở dĩ các trường công lập chưa mặn mà với tuyển sinh riêng vì họ không lo thiếu nguồn tuyển trong khi nếu tự chủ sẽ rất rủi ro về đề thi”.

 

PGS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng: “Những trường đề ra phương án tuyển sinh riêng là những trường ĐH, CĐ ngoài công lập yếu kém mới đòi thi riêng. Bộ GD-ĐT đưa ra phương án tuyển sinh mới này, tôi thấy bộ “quá chiều” theo ý một số trường mặc dù phương án tuyển sinh mới này tạo sự dân chủ. Mặc dù các trường ngoài công lập vẫn biết rằng, việc không tổ chức thi theo hình thức “3 chung” sẽ gây nhiều bất cập cho các trường nhưng vẫn cố gắng làm như vậy”.

 

“Các trường tổ chức thi riêng nên xem xét thận trọng mới ra phương án. Bởi với quy định hiện nay, thi riêng là sai, một số trường phải xét năng lực, điều kiện thực tiễn của mình” - ông Hóa nhận định.

 

Ông Hóa cho hay, tổ chức thi riêng sẽ rất tốn kém và thí sinh thi theo hình thức thi riêng sẽ không được xét tuyển theo hình thức “3 chung”, rủi ro rất lớn. Bởi hiện nay trường có 17 ngành đào tạo, trong đó có các ngành Kiến trúc, xây dựng… Với những ngành có môn thi năng khiếu này, trường “lợi dụng” thi 3 chung để xét tuyển các thí sinh từ trường ĐH Kiến trúc, ĐH Xây dựng.. vì tổ chức thi năng khiếu đòi hỏi tổ chức kỹ thuật rất nhiều và tốn kém. Trong 3 năm tới, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn tổ chức thi “3 chung”, sau 3 năm nữa mới công bố phương án tuyển sinh mới.

 

PGS Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Mỏ Địa chất cho rằng: “Bộ đưa ra phương án tuyển sinh năm nay là phù hợp với xu hướng tự chủ của các trường. Thi 1 năm 2 lần phù hợp với tín chỉ. Tuy nhiên, tôi rất phân vân về các phương án kỹ thuật mà bộ đưa ra bởi không khác gì thi đại học hơn 10 năm trước quay trở lại học thêm, tiêu cực. Mặc dù, Bộ yêu cầu các trường cam kết không để xảy ra tiêu cực, nhưng tiêu cực chủ yếu xuất phát từ khâu ra đề, chỉ có dừng việc tự ra đề thì mới chặn được tiêu cực. Các trường xác định điểm sàn phụ thuộc vào độ khó của đề”.

 

Ông Thắng cho hay, ưu điểm của phương án tuyển sinh là tùy thuộc ngành học mà đặt ra yêu cầu môn thi phù hợp. Việc dùng chung kết quả thi tất nhiên là chỉ đối với các ngành có cùng chung yêu cầu thi tuyển.

 

Theo ông Thắng, nếu các trường xây dựng phương án lấy kết quả sơ tuyển phổ thông thi tốt nghiệp và tổ chức thi tại trường cho thí sinh sẽ khắc phục được thí sinh “ảo”, hạn chế may rủi. Việc bộ cho các trường tổ chức thi riêng, tôi thấy các trường vẫn có thể sử dụng kết quả chung nhưng cần phải có sự minh bạch, công khai. Ví dụ: trường ĐH Mỏ Địa chất lấy mức điểm chuẩn từ 15 trở lên, ĐH Bách khoa Hà Nội lấy mức điểm chuẩn từ 20 trở lên. Trường ĐH Mỏ Địa chất có thể lấy kết quả thí sinh của ĐH Bách khoa như thế vừa đảm bảo chất lượng vừa tránh được tiêu cực.

 

Cũng theo trưởng phòng đào tạo ĐH Mỏ Địa chất, trong năm tới, trường vẫn tiếp tục tổ chức thi “3 chung”.

 

Trước những băn khoăn liệu có phải Bộ GD-ĐT chủ trương tuyển sinh riêng để “cứu” các trường ngoài công lập, ông Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Luật Giáo dục ĐH hiện hành quy định các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Bộ GD-ĐT chủ trương giao cho các trường tổ chức tuyển sinh riêng từ năm 2014 nhằm bảo đảm quá trình chuyển từ phương thức thi do Bộ tổ chức sang phương án các trường tự tổ chức tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH”.

 

Trường công lập e dè!

 

Trong số các trường công lập, mới chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội là thông báo thí điểm tuyển sinh theo phương án mới, nhưng cũng ở quy mô rất nhỏ. Mùa tuyển sinh 2014 trường này vẫn thực hiện theo phương thức thi "3 chung" nhưng sẽ thí điểm tổ chức tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực ở chương trình tài năng và chương trình tiên tiến. Cụ thể, thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp với 10 năng lực cốt lõi như ngôn ngữ, khoa học tự nghiên, xã hội… thời gian làm bài khoảng từ 4 - 4,5 giờ.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, dự kiến đến năm 2015, ĐHQG Hà Nội sẽ triển khai đại trà phương thức thi này. Khi đó, thí sinh đủ điều kiện dự thi đại học sẽ được tham gia bài thi đánh năng lực thường xuyên tại trường. Mỗi năm trường tổ chức 2 lần nhập học. Còn năm 2014 này, để thí sinh yên tâm với hình thức thi mới này, các thí sinh thi thí điểm vẫn có thể tham gia thi “ba chung”.

 

Ông Bùi Đức Hiền - Trường phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực cho biết: “Chúng tôi vẫn “mê” thi “3 chung”. Trường sẽ tổ chức thi “3 chung” đến khi Bộ không cho tổ chức thi nữa. Tuy nhiên, trường cũng sẽ xây dựng phương án tuyển sinh để phù hợp với thời cuộc”.

 

Ông Hiền cho rằng, tổ chức thi riêng sẽ gặp yếu thế ngay vì học sinh vẫn chưa ủng hộ phương án này. Thí sinh hiện nay đã định hình thi trường nào, khối nào rồi chứ không phải bây giờ mới quyết định.

 

GS Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình với nhiều năm kinh nghiệm tuyển sinh và hiểu rất rõ về thực trạng giáo dục đại học hiện nay, chia sẻ: “Nếu trường nào tổ chức thi riêng sẽ gặp khó khăn vì không nắm được số lượng thí sinh dự thi vào trường. Đối với trường ngoài công lập nếu có học sinh dự thi thì chỉ có học sinh có học lực thấp mới thi vào trường. Bên cạnh đó, thi xong, không chắc các em có đến học nữa hay không. Thi riêng chỉ dễ với điều kiện thi 1 môn và kết hợp với xét tuyển thí sinh vào trường. Hiện nay cung và cầu tuyển sinh đang cân bằng”.

 

GS Vận cho biết, trong năm tới, Trường ĐH Hòa Bình có 2 phương án là vẫn tiếp tục tổ chức tuyển sinh theo phương án “3 chung” và tổ chức thi tuyển để làm cơ sở cho 3 năm nữa Bộ không tổ chức thi “3 chung” để lấy kinh nghiệm. Hoặc phương án nữa là xin Bộ cho sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào trường. Hiện, trường chờ văn bản chính thức từ Bộ về phương án tuyển sinh mới thì mới đưa ra quyết định chính thức.

 

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chun-chan-voi-phuong-an-tuyen-sinh-rieng-815852.htm

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.