Các trường đang trông chờ quy chế và các tiêu chí tuyển sinh mới từ Bộ GD-ĐT. |
Sau 3 năm bật đèn xanh cho các trường xây dựng phương án tuyển sinh mới, đến nay có gần 20 trường đại học (ĐH) xây dựng phương án tuyển sinh và xét tuyển. Tiên phong là các trường ĐH ngoài công lập như Phan Châu Trinh, Quốc tế Sài Gòn, Công nghệ thông tin Gia Định, Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, Nguyễn Trãi, Quốc tế Bắc Hà, Kinh tế Tài chính (UEF)…
Theo đề án của UEF trong năm 2014-2015, trường tuyển sinh theo hình thức xét tuyển. Bộ tiêu chí xét tuyển của UEF gồm: tiêu chí 1 là điểm thi ĐH theo đề thi 3 chung của Bộ GD-ĐT chiếm tỷ trọng 40%, điểm tối đa 40; tiêu chí 2 là điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ trọng 30%, điểm tối đa là 30 và tiêu chí 3 là kết quả điểm tổng kết 3 năm học phổ thông của thí sinh (theo học bạ) chiếm tỷ trọng 30%, điểm tối đa là 30. Với những thí sinh có điểm thi tuyển sinh dưới điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng trúng tuyển theo phương pháp xét tuyển của nhà trường sẽ được học dự bị 6 tháng, sau đó vào học chính thức chương trình đào tạo. Trường đề xuất được tổ chức hai đợt xét tuyển mỗi năm.
Phương án của Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng tuyển sinh theo hình thức xét tuyển với các tiêu chí là kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ theo đề chung, điểm trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp THPT, tổng điểm trung bình học tập năm học cuối cấp (lớp 12) của 3 môn học tương ứng với khối thi và ngành xét tuyển. Trường đưa ra cách tính cả trong trường hợp kết quả kỳ thi tuyển sinh theo “3 chung” không bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT…
Nhìn chung những phương án mà các trường ngoài công lập đưa ra đều dựa trên nhiều tiêu chí. Vừa dựa vào các kỳ thi quốc gia (tuyển sinh và tốt nghiệp), vừa dựa vào học bạ của trường phổ thông, kèm một số tiêu chí khác như năng lực tư duy, kỹ năng mềm, tiếng Anh... Đây là xu thế tiến bộ đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, thay vì chỉ dựa vào một kỳ thi duy nhất như hiện nay.
Theo ĐH Quốc gia TPHCM, đơn vị này cũng đang hoàn tất đề án tuyển sinh mới với 2 môn thi bắt buộc, một tự chọn với mục tiêu đánh giá năng lực của thí sinh thay vì kiểm tra kiến thức đã học đơn thuần như kỳ thi tuyển sinh hiện nay. Theo đó, kỳ thi kiểm tra năng lực sẽ gồm 5 môn: Toán và logic, tiếng Việt, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và tiếng Anh. Mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 3 môn, trong đó 2 môn bắt buộc (Toán và logic, tiếng Việt) thời gian làm bài 120 phút. Ngoài ra, thí sinh phải thi thêm một trong 3 môn còn lại, tùy theo đặc thù riêng của từng trường và ngành dự thi, với thời gian làm bài 90 phút. Trong đó, môn Khoa học tự nhiên sẽ kiểm tra kiến thức về sinh, hóa và lý. Môn Khoa học xã hội kiểm tra kiến thức văn, sử và địa. Các bài thi chủ yếu theo phương thức trắc nghiệm, chỉ một phần bài thi môn tiếng Việt yêu cầu thí sinh viết bài luận.
ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng phương án không thi theo môn mà sẽ có một bài thi đánh giá năng lực kết hợp với phỏng vấn và xét duyệt hồ sơ. Với phương án này, thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp qua 10 năng lực cốt lõi như ngôn ngữ, tư duy logic… ở nhiều lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên đến xã hội… Thời gian làm bài thi này khoảng từ 4 - 4,5 giờ. Bài thi không có môn thi cụ thể nhưng các kiến thức phổ thông sẽ được chuyển tải và đánh giá qua các câu hỏi cụ thể.
Bộ chưa có tiêu chí
Theo Luật Giáo dục đại học, các trường được tự chủ tuyển sinh. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sau năm 2015 các trường bắt đầu tuyển sinh riêng và không theo phương thức thi “3 chung” như hiện nay. Theo các phương án tuyển sinh mới, mỗi trường có thể tuyển chọn đầu vào theo một trong 3 hình thức: xét tuyển từ các tiêu chí tuyển sinh nhất định; thi tuyển thông qua đề thi riêng của trường; kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển.
Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, khi công tác tuyển sinh được giao cho các trường tự chủ, vấn đề quan trọng nhất là khâu ra đề thi. Bởi lẽ khi tuyển sinh dựa trên đánh giá năng lực người học thì các trường phải có đội ngũ chuyên gia ra đề thi, đánh giá năng lực học đại học của thí sinh. Do đó, khâu ra đề thi có thể nói là khâu trọng yếu. Vì vậy, để có được đề thi đánh giá năng lực thí sinh đúng và khoa học thì cần huy động một đội ngũ chuyên gia rất lớn và điều này các trường riêng lẻ khó có thể thực hiện được.
Nhìn dưới góc độ chuyên gia tuyển sinh, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: “Hiện nay trường nào trình phương án cũng cho rằng phương án của mình là hợp lý. Tuy nhiên, về quy chế, tiêu chí chung từ Bộ GD-ĐT thì chưa có”. Vì vậy, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Bộ GD-ĐT cần đưa ra lộ trình cụ thể sau 2015, tiêu chí rõ ràng để trên cơ sở đó trường nào đạt các tiêu chí, yêu cầu thì cho phép tuyển sinh riêng. Nếu trường nào được phép tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT cần công bố sớm để thí sinh nắm rõ.
THANH HÙNG
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2013/12/334604/