*PV: Thưa ông, định hướng tuyển sinh năm 2014 đến nay được định hình ra sao?
* Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Hiện nay Bộ GD-ĐT đang trong quá trình sửa đổi quy chế tuyển sinh, theo đó sẽ có những tiêu chí, quy định về tự chủ tuyển sinh được đưa vào quy chế sửa đổi để các trường ĐH áp dụng theo Luật Giáo dục ĐH. Như vậy, ngay trong năm 2014, trường nào có đề án tuyển sinh riêng thỏa mãn các quy định tiêu chí của quy chế tuyển sinh, sẽ được phép tuyển sinh riêng. Trường nào chưa có đề án tuyển sinh riêng thỏa mãn yêu cầu, vẫn tiếp tục tuyển sinh theo “3 chung” của bộ.
* Vậy sửa đổi quan trọng nhất của quy chế này là gì?
* Hiện nay quy chế vẫn đang trong quá trình xây dựng. Đến Hội nghị các trường ĐH toàn quốc (diễn ra trong tháng 12 này hoặc đầu tháng 1-2014) mới đưa ra lấy ý kiến các trường. Sau đó sẽ lấy ý kiến xã hội trước khi công bố. Vì vậy chưa thể nói những nội dung cụ thể. Nhưng nhìn chung, quy chế này bổ sung các tiêu chí để các trường ĐH có thể tự chủ tuyển sinh. Cùng với đó là những thay đổi căn bản về các đối tượng được ưu tiên trong tuyển sinh của các khu vực. Vì hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi, khoảng cách giữa các vùng miền đã thay đổi so với trước nên cần điều chỉnh tiêu chí ưu tiên để bảo đảm công bằng giữa các vùng miền trong cả nước. Còn lại, những vấn đề về kỹ thuật tuyển sinh thì không có sửa đổi nhiều vì cơ bản đã hoàn thiện trước đó.
*Như vậy năm 2014 sẽ vẫn thi ĐH theo “3 chung”, trừ những trường được cho phép tuyển sinh riêng?
* Đúng vậy. Như bộ đã công bố từ trước, từ nay đến năm 2015 cơ bản vẫn giữ thi ĐH theo “3 chung” trừ những trường trình được đề án tuyển sinh riêng mà bộ cho phép. Đây là giai đoạn trung gian, bộ vẫn giúp các trường trong khâu tuyển sinh trong khi chờ đợi các trường hoàn thiện phương án tuyển sinh riêng của mình, còn sau năm 2015 bắt buộc các trường phải tự chủ tuyển sinh theo đúng tinh thần Luật Giáo dục ĐH cũng như Nghị quyết về Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà TƯ Đảng vừa thông qua. Bộ chỉ xây dựng quy chế tuyển sinh để đưa hoạt đông tuyển sinh riêng của các trường diễn ra chặt chẽ.
* Hiện nay chủ yếu các trường ngoài công lập hào hứng với việc chuẩn bị đề án tuyến sinh riêng, còn các trường công lập chưa mấy mặn mà vì nếu thi “3 chung” các trường rất nhàn. Thứ trưởng đánh giá về việc này ra sao?
* Bộ đã nhận được 17 đề án tuyển sinh ĐH riêng thì đều của các trường ngoài công lập. Chưa có trường công lập nào trình đề án, kể cả Trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Có thể các trường đang thận trọng. Nhưng tôi xin khẳng định, đây là giai đoạn trung gian, bộ đang tiếp tục “gánh” trách nhiệm tuyển sinh cho các trường. Còn sau 2015, bắt buộc tất cả các trường ĐH không kể công lập hay ngoài công lập đều phải tuyển sinh riêng. Các trường cũng cần ý thức, tuyển sinh riêng vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội của các trường thể hiện uy tín của mình với xã hội. Khi các trường đa dạng được cách tuyển sinh chúng ta sẽ đa dạng được hoạt động đào tạo của giáo dục ĐH, không cứng nhắc như “3 chung” hiện nay nữa. Vì vậy, các trường phải khẩn trương tính toán phương án tự chủ tuyển sinh. Tôi biết mối lo lớn nhất của các trường khi tuyển sinh riêng hiện nay là khâu ra đề thi. Thi “3 chung” thì đề thi bộ lo; giờ tuyển sinh riêng các trường cũng ngại đề thi sẽ bị xã hội giám sát, bình luận. Nhưng không thể mãi như vậy được.
* ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố dự định triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng trong năm 2014. Theo đó, sẽ thí điểm phương pháp thi đánh giá năng lực thí sinh chứ không phải qua các môn thi đơn lẻ như kỳ thi tuyển sinh “3 chung” hiện nay. Thí sinh sẽ phải trải qua một bài thi đánh giá năng lực, qua vòng phỏng vấn và xét duyệt hồ sơ. Trong đó, riêng bài thi đánh giá năng lực tổng hợp sẽ kéo dài 4- 4,5 giờ, chia làm nhiều phần nội dung kiểm tra, đánh giá các năng lực cốt lõi và phẩm chất quan trọng nhất mà một người học đại học cần có như năng lực ngôn ngữ, tư duy logic... Thứ trưởng nhận xét gì về phương án này?
* Bộ chưa nhận được đề án của trường. Nhưng có thể nói đó cũng là một phương án tuyển sinh. Chắn chắn, khi thực hiện tự chủ tuyển sinh, sẽ có rất nhiều phương án tuyển sinh của các trường khác nhau, miễn là thỏa mãn các điều kiện của quy chế tuyển sinh mà bộ ban hành. Bộ GD-ĐT cũng không cố định bất cứ một hình thức tuyển sinh nào, hoàn toàn do các trường tự quyết định. Miễn là phương án đó bảo đảm tuyển sinh công bằng, bảo đảm chất lượng đầu vào, không gây ra tình trạng luyện thi tràn lan.
Riêng đề án của ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá năng lực thí sinh tôi cho là phương án hay. Vì thi ĐH “3 chung” hiện nay chỉ đánh giá được kiến thức của thí sinh, không đánh giá được năng lực người học. Tuyển sinh theo cách đánh giá năng lực thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn để phân loại, đánh giá thí sinh. Đó là hướng đi tốt. Điều này cũng phù hợp với đổi mới căn bản mục tiêu giảng dạy từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh trong đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo mà bộ đang thực hiện.
|
PHAN THẢO thực hiện
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2013/12/334044/