Nhiều phương án mới
Theo đề án tuyển sinh, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ được trình Bộ GDĐT giữa tháng 12, thí sinh dự thi vào trường này sẽ không thi theo môn và có một bài đánh giá năng lực kết hợp với phỏng vấn và xét duyệt hồ sơ. Cụ thể, sẽ có khoảng 10 năng lực cốt lõi được đưa vào đánh giá chung trong một bài thi diễn ra trong 4 - 5 tiếng như: Ngôn ngữ, tư duy logic… tập hợp kiến thức từ tất cả các môn học ở phổ thông.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc nhà trường cho biết: “Kỳ thi này sẽ được tổ chức trước hoặc sau kỳ thi 3 chung của bộ để nhiều thí sinh có thể tham gia, sau 1 năm thí điểm trường sẽ triển khai đại trà phương thức thi này. Mỗi năm trường sẽ tổ chức 2 lần nhập học, thí sinh có thể tham gia đánh giá năng lực vào nhiều thời điểm trong năm”.
ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh lại dự kiến sẽ thi ĐH với 5 môn: Toán và logic, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và tiếng Anh. Trong đó, có 2 môn bắt buộc là toán và logic, tiếng Việt, môn thứ 3 sẽ được tự chọn trong 3 môn còn lại tùy theo đặc thù và yêu cầu của từng ngành đào tạo. Thời gian thi 90 phút, các môn thi chủ yếu bằng hình thức trắc nghiệm, chỉ một phần môn tiếng Việt là viết bài luận.
Lãnh đạo trường này cho biết, nếu được duyệt trường sẽ tiến hành thí điểm trong năm 2015 và thực hiện đại trà vào năm 2016. Còn ĐH Vinh lại có phương án kết hợp thi và xét tuyển. PGS-TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước mắt trường vẫn thi 3 chung nhưng có cải tiến về kỹ thuật trong quá trình tuyển sinh. Ví dụ, trường sẽ xem xét cách thức lấy kết quả thi và xét tuyển phù hợp với đặc điểm và yêu cầu đào tạo của từng khoa: Khoa sư phạm toán (khối A) thì lấy điểm toán thi, còn lý, hoá thì xét tuyển học bạ hay khoa sư phạm hoá cũng khối A lại lấy điểm hoá thi tuyển, các môn còn lại xét tuyển…
Tuy nhiên, tuyển sinh riêng không phải “thích ra đề thế nào thì ra”. Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ GDĐT sẽ đưa ra các tiêu chí cần thoả mãn của đề án tuyển sinh riêng. Quy định về đội ngũ, kinh nghiệm của những người ra đề thi theo phương án tuyển sinh mà trường đề xuất, quy định những điều không được vi phạm. Những đề án nào thoả mãn các điều kiện yêu cầu sẽ được thực hiện ngay trong năm 2014.
Lo ngại tiêu cực
Phương án tuyển sinh thế nào, chung hay riêng hiện đang có rất nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia giáo dục. GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng: “Giải thích về mặt khoa học, hàng năm có rất nhiều thí sinh thi khối A. Nếu thi vào trường sư phạm thì ra làm thầy dạy toán, lý, hoá thi vào Bách khoa thì ra lại làm kỹ sư, thi vào luật cũng khối A ra lại làm thẩm phán, luật sư… tính chất đào tạo và yêu cầu công việc là hoàn toàn khác nhau, vậy tại sao lại phải cùng làm chung 1 đề thi. Điều đó rất bất hợp lý”. Cũng theo GS Cương, “3 chung” nên kết thúc để cho các trường tự chủ tuyển sinh đúng nhu cầu đào tạo trường cần.
Đồng ý bỏ thi “3 chung” nhưng GS Văn Như Cương vẫn kiến nghị: “Bộ GDĐT cần có một bộ “lọc” chuẩn để tuyển sinh riêng không làm tái diễn những tiêu cực trong thi cử đã có từ nhiều năm trước như: Chạy điểm, các lò luyện thi cạnh trường mọc lên vô tội vạ, một thí sinh có thể thi nhiều trường gây tốn kém…”.
Nhìn từ góc độ trực tiếp tuyển sinh, PGS-TS Đinh Xuân Khoa lo ngại: “Nếu bỏ 3 chung, khâu kiểm soát việc ra đề thi sẽ rất phức tạp. Không thể 450 trường ĐH-CĐ có 450 ban ra đề thi, tính bảo mật sẽ khó đảm bảo được. Ngoài ra còn kinh phí để ra đề, tuyển sinh sẽ bị đội lên rất nhiều, các trường đề nghị tuyển sinh riêng không biết đã nghĩ đến điều đó?”.
GS Bành Tiến Long -nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, người chỉ đạo triển khai tuyển sinh ĐH-CĐ “3 chung” từ năm 2002 phân tích: “3 chung” ra đời đã bảo đảm được kỷ cương trong thi cử, điều mà trước “3 chung” đang vô cùng nhức nhối. Các phương án tuyển sinh riêng mà các trường trình Bộ GDĐT trong tháng 12 vừa rồi, về cơ bản đều muốn hướng tới cách tuyển sinh hiện đại, như phỏng vấn riêng kết hợp với thi viết.
Tuy nhiên, các trường chưa cân nhắc toàn diện, ví dụ tổ chức phỏng vấn thì với hàng vạn thí sinh, không có đủ thời gian để thực hiện. Đó là chưa kể đến những yếu tố vô cùng quan trọng là ai là người phỏng vấn, chuẩn mực để đánh giá khi phỏng vấn như thế nào, liệu có đảm bảo công bằng”. Theo GS Long và nhiều chuyên gia giáo dục, nếu chưa làm rõ điều đó thì cần cân nhắc tuyển sinh riêng.
Tùng Anh - Phương Anh