Lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ GD-ĐT cho biết tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 được tổ chức tại Hà Nội ngày 27-12, không tăng chỉ tiêu đào tạo từ năm tới. Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh; tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược và nghệ thuật.
Giảm chỉ tiêu ngành sư phạm
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2012, ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng chiếm tỉ trọng 27,42% trong tổng quy mô đào tạo. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết thêm dứt khoát không mở mới ngành kinh tế ở những trường chuyên về đào tạo kinh tế. Cung đã vượt cầu quá nhiều ở ngành này và phụ huynh cần định hướng cho con em mình trước những ngành đã quá dư thừa nhân lực.
Về chỉ tiêu đào tạo của ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT cho hay do tình trạng thừa giáo viên hiện nay nên chỉ tiêu sư phạm sẽ giảm dần và tiếp tục điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu.
Đối với chỉ tiêu hệ tại chức, liên thông, văn bằng 2 theo hình thức vừa học vừa làm, Bộ GD-ĐT cho biết tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy. Đối với hệ TCCN trong các trường ĐH, tiếp tục giảm chỉ tiêu theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt đào tạo trước năm 2017.
Tuyển vượt chỉ tiêu: Kỷ luật hiệu trưởng
Năm 2013, chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng khoảng 5%, thạc sĩ tăng khoảng 5% so với năm 2012. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tính đến việc giảm dần chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Trước mắt, sẽ giảm dần chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ của chuyên ngành quản lý giáo dục. “Không thể để những người ít biết về giáo dục làm thạc sĩ về quản lý giáo dục. Nếu tiếp tục như vậy thì giáo dục không thể mạnh lên mà còn yếu đi” - ông Luận nói.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho hay qua thanh tra việc tuyển sinh năm 2012 cho thấy không ít trường vi phạm quy chế, tuyển sinh vượt chỉ tiêu rất nhiều. “Nếu chỉ phạt hành chính thì vẫn lãi lớn, hiệu quả kinh tế cao nên các trường cố tình vi phạm” - ông Luận nói. Năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định xử mạnh tay bằng các quyết định kỷ luật hiệu trưởng theo từng mức độ vi phạm.
“Trường thuộc các bộ, ngành khác thì chúng tôi sẽ yêu cầu các bộ, ngành này xử lý và báo cáo về Bộ GD-ĐT. Phải kiên quyết xử lý người đứng đầu. Vi phạm càng tràn lan, phổ biến thì càng phải xử phạt” - người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh. Ông Luận cũng cho biết các quyết định kỷ luật một số trường sẽ được ký trong 1-2 ngày tới.
Khối kinh tế tự xác định mức học phí
Bộ GD-ĐT đang phối hợp cùng Bộ Tài chính nghiên cứu thực hiện thí điểm về đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động của các trường. Đối với những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa mà Nhà nước cần đào tạo (sư phạm, kỹ thuật, khoa học tự nhiên, KHXH&NV, nông lâm ngư, nghệ thuật…) thì Nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng để bảo đảm hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Đối với ngành đào tạo có khả năng xã hội hóa cao (kinh tế, tài chính, luật…), thực hiện giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu, tiến tới cơ sở đào tạo tự bảo đảm bù đắp chi phí đào tạo, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và xã hội hóa. Dự kiến mức học phí cho nhóm ngành này tăng dần, bảo đảm 50% đến 90% chi phí đào tạo từ năm 2012 đến 2016.
Đối với các hoạt động đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu xã hội, các trường được quyết định mức thu giá dịch vụ trên cơ sở tính đủ các chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ, từng bước tiến tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào, đầu ra; được quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.
HOÀNG LAN ANH
Nguồn: nld.com.vn