Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết: Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nên trong năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy; đồng thời điều chỉnh cơ cấu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh; tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật.
Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy được xác định tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. Hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.
Bộ cũng yêu cầu các trường ĐH tiếp tục giảm chỉ tiêu TCCN theo lộ trình 20%/năm, các trường trực thuộc Bộ dự kiến giảm chỉ tiêu với lộ trình nhanh hơn và chấm dứt đào tạo trung cấp trước năm 2017. Đặc biệt, trong năm 2013 không đào tạo TCCN vừa học vừa làm tại các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ sẽ giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ. Trước mắt sẽ giảm chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ về quản lý giáo dục”. Ông Luận giải thích: “Không có chuyện người không biết gì về giáo dục lại đi làm thạc sĩ, tiến sĩ về giáo dục mà toàn bằng giỏi, bằng khá”.
Dừng mở trường từ năm 2015
Theo báo cáo, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường để ban hành quyết định mới thay thế cho quyết định trước đây. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xem xét việc thành lập, sáp nhập, chia tách các trường ĐH, trong đó có việc xem xét nghiên cứu thành lập phân hiệu của các trường.
Theo tinh thần quy hoạch, từ nay đến năm 2015 chỉ giải quyết những hồ sơ, đề án thành lập trường đã có đồng ý chủ trương của Thủ tướng; không giải quyết việc thành lập mới các cơ sở đào tạo và giữ ổn định quy mô đào tạo đến năm 2020. Bộ khẳng định trong năm 2013, số lượng các trường trực thuộc Bộ sẽ không thay đổi và chỉ tiêu của các trường này vẫn giữ ổn định.
Bộ trưởng Luận cho biết thêm: “Từ năm 2013, Bộ sẽ không cho mở mới các trường đào tạo về kinh tế và không cho mở mới các ngành về khối quản trị kinh doanh, tài chính, kinh tế. Nguyên nhân là ngành học này đã quá thừa và nhu cầu lao động đã bão hòa. Các trường có đào tạo ngành này cần tập trung nâng cao chất lượng thì mới thu hút được người học”. Ông Luận cho hay: “Kiểm tra chỉ tiêu tuyển sinh 2012 thấy có không ít trường tuyển vượt rất nhiều so với năng lực đào tạo. Vi phạm này đã trở thành phổ biến, tràn lan. Việc phạt nặng các trường lên đến 80 triệu đồng thì các trường vẫn có lãi từ số thí sinh tuyển vượt. Vì thế, năm nay, ngoài việc phạt hành chính, Bộ sẽ kỷ luật hiệu trưởng và sẽ đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm”.
Thu học phí cao các ngành kinh tế, tài chính
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch tài chính, trong thời gian tới sẽ thực hiện thí điểm về đổi mới cơ chế tài chính đối với ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa như: kỹ thuật, khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn... Nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Sinh viên chỉ đóng học phí theo mức quy định của Chính phủ.
Đối với những ngành nghề có khả năng xã hội hóa cao như kinh tế, tài chính, luật, sẽ thực hiện giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu, tiến tới các cơ sở tự bù đắp chi phí đào tạo. Dự kiến mức học phí cho các nhóm ngành này sẽ tăng dần, đảm bảo 50-90% chi phí đào tạo trong các năm từ 2012 - 2016.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu từ năm 2013 sẽ phải thay đổi cách cấp kinh phí cho các trường, không cấp theo đầu vào như hiện nay nữa. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Vụ Kế hoạch tài chính phải xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật để tính toán lại việc cấp kinh phí. Năm 2013 phải có sự thay đổi, nếu không thay đổi thì nhân sự Vụ Kế hoạch tài chính sẽ thay đổi”.
Tốt nghiệp chưa đủ 3 năm phải thi liên thông cùng thí sinh ĐH, CĐ chính quy Bộ GD-ĐT ban hành thông tư quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ. Theo đó, với người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi 3 môn gồm: môn cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Đối với người có bằng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ tổ chức hằng năm. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7.2.2013. |
Vũ Thơ
Nguồn: thanhnien.com.vn