“Trong hai năm qua, chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên để học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH đã đi vào cuộc sống, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cơ hội học hành cho hơn 1,3 triệu học sinh, sinh viên”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến Sơ kết hai năm thực hiện tín dụng đối với học sinh, sinh viên tại bốn điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ hôm qua cho rằng, mức cho vay tối đa hiện nay vẫn còn thấp trong điều kiện giá cả leo thang, học phí tăng. Vì thế, rất nhiều ý kiến đề xuất cần nâng mức cho vay.
Sinh viên vay vốn ưu đãi của ngân hàng. Ảnh Đức Long |
Sinh viên Lê Thị Hoài, lớp 42I1, khoa Thương mại điện tử, ĐH Thương mại, cho biết, số tiền được vay 800.000 đồng một tháng tuy không ít nhưng cũng không thể đủ trang trải cho việc tiêu dùng, sinh hoạt và học tập hàng tháng.
Bà Nguyễn Thị Ước, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, thôn Hà My, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cũng bày tỏ lo ngại: “Mức cho vay tối đa 800.000 đồng một tháng vào thời điểm này chưa thực sự đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của học sinh, sinh viên, nhất là trong thời gian tới, nhiều trường sẽ tăng học phí”.
Phát biểu tại buổi sơ kết hôm qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra ba mối lo lắng: thứ nhất, xác định đúng đối tượng; thứ hai, thủ tục còn phức tạp (thực tế, nhiều em đến ngày khai giảng mà không có tiền, không vào được trường); thứ ba là không đủ tiền.
Từ thực tiễn trên, ông Nhân đề nghị, sau khi sơ kết, các cơ quan có liên quan phải có hướng dẫn tổ chức vay cho năm học mới trước ngày 10/7.
Về kiến nghị nâng mức cho vay, các cơ quan sẽ căn cứ vào trượt giá và quyết định của Quốc hội đối với đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 - 2014 về mức học phí của một số ngành để tăng mức cho vay tương ứng. "Tinh thần là không làm khó cho người học. Mức học phí tăng bao nhiêu, đảm bảo cho vay tăng bấy nhiêu", Phó thủ tướng kết luận.
1.000 người vay có 7 trường hợp sai đối tượng
Sau hai năm thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tính đến 30/4 doanh số cho vay đạt 13.517 tỷ đồng với với hơn 1,3 triệu học sinh, sinh viên đang được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi .
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội, hiện có 438.000 hộ gia đình nghèo được vay 4.844 tỷ đồng (chiếm 35,4% tổng số hộ vay vốn của chương trình). Tuy nhiên, những hộ cận nghèo lại có nhu cầu vay lớn hơn với 624.000 hộ với số vốn 6.963 tỷ đồng (chiếm 50% tổng số hộ vay)…
Dù vậy, sau hai năm thực hiện chương trình, vẫn còn 913 hộ gia đình không đúng đối tượng lại được vay với số vốn khoảng 5,4 tỷ đồng, chiếm 0,07% tổng số hộ vay. Theo phân tích của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tỷ lệ này là rất nhỏ, cứ 10.000 người vay có 7 người vay sai, chiếm 0,004, cho vay một triệu đồng thì sai 40 đồng.
Dẫn đầu các tỉnh cho vay sai đối tượng là Ninh Thuận với 178 hộ, Sóc Trăng: 175 hộ, Hòa Bình: 119 hộ. Riêng tỉnh Thái Nguyên từ đầu chương trình đến nay đã có 77 hộ không đúng đối tượng được vay 380 triệu đồng và 29 hộ đã thoát nghèo với số tiền vay kỳ 1 là 165 triệu đồng. Đến hết năm 2008, tỉnh này đã thu hồi xong số tiền là 380 triệu đồng của 77 hộ không đúng đối tượng và ngừng không giải ngân đợt 2 cho 29 hộ thoát nghèo.
“Nguyên nhân dẫn đến cho vay sai đối tượng là một số Tổ tiết kiệm bình xét chưa đúng đối tượng, còn UBND cấp xã thì nể nang, cảm tính. Những sai sót trong việc cho vay sai đối tượng đã được nghiêm túc kiểm điểm và xử lý kiên quyết. Vì vậy, số dư nợ cho vay sai đối tượng đã giảm xuống từ 10 tỷ đồng năm 2008 còn 5,4 tỷ đồng năm 2009”, ông Nguyễn Văn Lý lý giải.
Cho vay mà không thu hồi được sẽ “vỡ quỹ”
Ngày 16.6, trao đổi về chủ trương cho vay ưu đãi đối với HSSV, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá, giáo dục và thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự lo ngại vì sau 2 năm thực hiện vẫn chưa có cơ chế bảo đảm việc quản lý vốn cho vay cũng như thu hồi nợ. “Chưa nói đến việc quản lý, mà ngay cả việc theo dõi, nắm bắt thông tin của SV ra trường cũng đã rất khó khăn. Thứ hai, thực tế hiện nay rất nhiều SV ra trường khó tìm được việc làm hoặc thời gian đầu đi làm, thu nhập của các em cũng thấp, vì vậy khả năng chi trả vốn vay sau 1 năm tốt nghiệp là rất khó. Nhất là tới đây, Chính phủ tăng mức cho vay đối với HS-SV lên thì khả năng thu hồi vốn còn khó khăn hơn. Nếu cho vay mà không thu hồi được thì chỉ được một thời gian sẽ vỡ quỹ”, GS.Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Theo GS. Đào Trọng Thi, nếu không tìm ra được cơ chế khả thi, cũng như không thay đổi được cách quản lý hiện nay thì phương thức tín dụng HSSV này, dù ý tưởng là tốt, nhưng trên thực tế lại không bằng việc Nhà nước cấp tiền trực tiếp cho nhà trường, để trường lo cho các em mà quản lý đồng tiền lại chặt chẽ hơn.
Nam Phương