Vài năm trước đây, ngành Kinh tế, Tài chính - ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh… là ngành “nóng” được thí sinh ưa chuộng do cơ hội việc làm lớn sau khi tốt nghiệp. Do vậy, nhiều trường ĐH, CĐ ồ ạt mở những ngành học này, số lượng trường đào tạo ngành này lên tới 248 trường trên tổng số 416 trường. Chỉ còn 76 trường ĐH và 92 trường CĐ không tuyển sinh các ngành trên là trường thuộc khối y, dược, năng khiếu - nghệ thuật và một số trường sư phạm. Theo đó, chỉ tiêu những ngành học này cũng tăng theo chiếm xấp xỉ 38%, chỉ còn 62% cho tất cả các ngành đào tạo khác.
Tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của thí sinh trong 3 năm qua (2009-2011) vào những ngành nói trên chiếm gần 41% tổng số hồ sơ. Do số lượng đào tạo lớn ngành này trong những năm vừa qua quá nhiều dẫn tới bắt đầu dư thừa và gây mất cân đối nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận rằng: “Về mất cân đối trong ngành nghề đào tạo, đây là một thực tế khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, giữa đào tạo và phân công sau khi đào tạo không gắn với nhau, gây khó khăn cho xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh”.
Theo lãnh đạo nhà trường, dự báo nguồn nhân lực ngành kinh tế thời gian tới sẽ bão hòa. Việc mở thêm ngành học mới này nhằm đáp ứng thực tế đào tạo của trường bởi trong xu thế hội nhập hiện tại thì khi theo đuổi các lĩnh vực kinh doanh, kinh tế đòi hỏi phải nắm vững về luật. Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ luật sư ở Việt Nam còn thấp so với mức trung bình của các nước trên thế giới, thêm vào đó, chất lượng của đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Bộ GD-ĐT đang phối kết hợp với các Bộ, ngành địa phương để tổng hợp quy hoạch nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó gắn việc đào tạo của các cơ sở giáo dục với nhu cầu của nền kinh tế, của xã hội về nguồn nhân lực. Chúng tôi sẽ thông báo thường xuyên về vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, các cháu học sinh, sinh viên có điều kiện tham khảo, lựa chọn”.
Giải pháp trước mắt về tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực trên, Bộ trưởng Luận cho hay: “Đối với sinh viên Sư phạm, tiếp tục được miễn học phí. Đối với các ngành nông lâm ngư nghiệp, chúng tôi có chính sách khuyến khích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được miễn thi đại học vào học những ngành gần với môn học mà học sinh đoạt giải. Học phí khối các trường và các ngành đào tạo về nông lâm ngư nghiệp hiện nay được chỉ đạo xây dựng với mức thấp nhất trong tất cả các ngành học. Trong chính sách tới đây, sẽ tiếp tục ban hành theo thẩm quyền của Bộ các chính sách ưu tiên, và chúng tôi sẽ chủ động đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ về các chính sách cả về tài chính, tổ chức tuyển dụng và các điều kiện làm việc để thu hút, cân đối lại nguồn này”.
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sẽ tăng từ mức 10,8 triệu người năm 2010 (bằng 22% tổng số nhân lực trong nền kinh tế), lên khoảng 15 triệu năm 2015 (27%) và khoảng 20 triệu năm 2020 (31%). Trong khu vực dịch vụ, nhân lực tăng từ mức trên 13 triệu người năm 2010 (chiếm 26,8% tổng nhân lực trong nền kinh tế) lên khoảng 15-16 triệu năm 2015 và khoảng 17-19 triệu người năm 2020 (bằng khoảng 27%-29%). Còn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2010 là 24,9 triệu người (chiếm 51% tổng nhân lực trong nền kinh tế) năm 2015 là trên 24-25 triệu người (45% - 46%) và năm 2020 khoảng 22-24 triệu người (35% - 38%). |