Tin tức Tuyển sinh


Tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2011: Giải cứu những ngành khó tuyển

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT


* 15 trường bị xử phạt và cắt giảm chỉ tiêu trong năm 2011

Ngày 18-2, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh 2011 trực tuyến tại 6 điểm cầu trên toàn quốc. Đúng như nhận định của dư luận, hình thức và phương thức tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo phương thức “3 chung” như mọi năm. Tuy nhiên, một số điều chỉnh trong Quy chế tuyển sinh 2011 mà Bộ GD-ĐT đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của đại biểu trong phần thảo luận. 

  • Làm mới Quy chế tuyển sinh
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 vẫn giữ ổn định theo phương thức “3 chung”. Tuy nhiên, trong Quy chế tuyển sinh 2011 có một số điều chỉnh nhằm “tăng tính nghiêm minh, quy trách nhiệm rõ ràng cho các đối tượng vi phạm quy chế”.
 
Theo đó, về đối tượng tuyển sinh, Bộ GD-ĐT bổ sung, thí sinh có quốc tịch nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH-CĐ  Việt Nam không phải dự thi tuyển sinh. Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập bậc THPT của thí sinh, kết hợp với kiểm tra kiến thức và trình độ tiếng Việt của thí sinh theo quy định của trường để xét tuyển.
 

 

 

Vẫn duy trì điểm sàn

Kết lại các vấn đề về tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ủng hộ việc cần sớm thống nhất để đưa vào quy chế tuyển sinh những quy định chung, khái quát đối với thi trắc nghiệm và tự luận, những gì riêng biệt của thi trắc nghiệm vẫn để hướng dẫn riêng. Ngoài ra, bộ trưởng cũng ủng hộ việc cho công khai xét tuyển NV2, NV3 để tạo cơ hội cho thí sinh sớm được lựa chọn trường phù hợp với năng lực. Những gì thuộc về kỹ thuật các trường cùng bộ sẽ phải bàn tính tiếp, nhưng tinh thần là không hạn chế cơ hội của thí sinh. Về điểm sàn, quan điểm của bộ là đi đôi với quyền học đại học phải là vấn đề năng lực tiếp nhận của hệ thống giáo dục. Trong khi năng lực tiếp nhận có hạn, nhu cầu thực tế thì quá lớn nên đòi hỏi phải có kỳ thi, có điểm sàn.

 

 

Về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, Bộ GD-ĐT bổ sung chế tài xử lý với hình thức cảnh cáo đối với cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường; thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh không đúng thời gian quy định; hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; tính điểm sàn đối với điểm môn thi đã nhân hệ số. Bộ GD-ĐT cho rằng, những vi phạm này đang diễn ra phổ biến hiện nay, vì vậy cần phải được xử lý nghiêm khắc.
 
Dự kiến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi như sau: Theo tuyến của Sở GD-ĐT từ ngày 14-3 đến hết ngày 14-4; Theo tuyến của các trường từ ngày 15-4 đến hết ngày 21-4.
 

Về vấn đề nóng chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT cũng làm mới bằng cách xác định chỉ tiêu theo diện tích sàn xây dựng và quy đổi theo tiêu chí tỷ lệ sinh viên, học sinh trên giảng viên. Điểm đáng chú ý hơn, bộ đưa ra quy định: đối với cơ sở đào tạo có kết quả tuyển sinh 2009, 2010 thấp hơn 50% chỉ tiêu được giao thì chỉ tiêu năm 2011 được xác định tối đa bằng 50% chỉ tiêu năm 2010.


  • Tìm lối ra cho những ngành khó tuyển
Kết quả tuyển sinh năm 2010 cho thấy các trường ĐH Thái Nguyên, ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Cần Thơ… đều méo mặt với việc các ngành nông lâm nghiệp tuyển chưa đạt tới 50% chỉ tiêu được giao.
 
TS Nguyễn Tấn Vui, Phó hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên, trăn trở: Thực tế cho thấy những ngành thuộc khối nông - lâm nghiệp là thế mạnh và xã hội ta đang rất cần vì nước ta vẫn là một nước nông nghiệp. Dù đã làm nhiều cách như dành nhiều học bổng cho sinh viên, doanh nghiệp, địa phương đặt hàng đào tạo, sinh viên ra trường có nơi nhận về làm ngay… nhưng không hiểu sao thí sinh vẫn quay lưng.
 
Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT phải hoạch định chính sách cụ thể để thu hút người học. Chia sẻ với đồng nghiệp của mình, GS Từ Quang Hiển, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho rằng: Bộ phải có những cơ chế riêng để giải quyết vấn đề cho khối ngành nông – lâm nghiệp.
 
ĐH Thái Nguyên là ĐH đào tạo cung cấp nhân lực cho toàn khu vực Tây Bắc nhưng điều kiện và đầu vào của thí sinh chưa thể sánh bằng những khu vực khác. Tuyển sinh được đã khó nhưng tuyển sinh được cho khối ngành nông – lâm nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế xã hội địa phương lại càng khó hơn vì thí sinh không mặn mà đăng ký.
 
Để giải bài toán này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận đúng là các trường ĐH thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ có những đặc thù riêng và đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Do đó, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét cho các trường vận dụng điểm C điều 33 đồng thời sẽ có những chính sách hỗ trợ các trường trong tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định việc xem xét những ngành khó tuyển phải nằm trong chiến lược quốc gia về phát triển nhân lực của ngành. 
 

Như vậy, không chỉ khối ngành nông lâm nghiệp mà những ngành khoa học cơ bản sắp tới cũng sẽ được Bộ GD-ĐT nghiên cứu và có những chính sách ưu tiên đặc biệt cho thí sinh theo học những ngành này.

  • Quy chế, quy định cần rõ ràng

Theo ý kiến trao đổi của nhiều đại biểu, những điểm mới của Bộ GD-ĐT đưa ra trong kỳ tuyển sinh năm nay có một số điểm chưa phân tích thấu đáo. Nếu không có hướng dẫn rõ ràng, không chỉ các trường rối mà bộ cũng phải đau đầu khi áp dụng. 

Bàn về quy định xác định chỉ tiêu, TS Nguyễn Tấn Vui băn khoăn: “Tôi chưa đồng tình với quy định “đối với cơ sở đào tạo có kết quả tuyển sinh 2009, 2010 thấp hơn 50% chỉ tiêu được giao thì chỉ tiêu năm 2011 được xác định tối đa bằng 50% chỉ tiêu năm 2010”.
 

Theo quy định này, có nghĩa là nhiều ngành không tuyển sinh được buộc phải tự cắt giảm chỉ tiêu. Nhưng có những ngành như khối ngành nông – lâm nghiệp, khoa học cơ bản dù tuyển không đủ chỉ tiêu nhưng các trường cũng phải ráng nuôi vì đây là những ngành mang ý nghĩa chiến lược quốc gia. Vì vậy “Bộ nên nói rõ hơn về quy định này để các trường khỏi lúng túng”.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho rằng khi bỏ quy định “nộp hồ sơ trúng tuyển” để làm thủ tục nhập học, Bộ cần nói rõ tại sao phải bỏ vì trong hồ sơ trúng tuyển có những thông tin rất cần cho các trường quản lý sinh viên trong quá trình đào tạo. Hơn nữa, việc các trường đại học tuyển sinh không đạt 50% chỉ tiêu ở những năm trước bộ không thể căn cứ lý do đó để cắt chỉ tiêu của các trường.
 
Một vấn đề khác, nhiều trường kiến nghị Bộ GD-ĐT cần thực hiện ngay trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 là bổ sung rõ quy chế thi trắc nghiệm đối với những môn thi theo hình thức trắc nghiệm.   
 

Nhiều đại biểu thất vọng khi hội nghị tuyển sinh năm 2011 không mổ xẻ, phân tích thấu đáo nhiều vấn đề tồn đọng của kỳ tuyển sinh 2010 để kỳ tuyển sinh năm nay hoàn thiện, nghiêm túc hơn. Chẳng hạn những vấn đề như: Bộ GD-ĐT xé rào cho phép các trường ngoài công lập xét tuyển NV3 đến ngày 15-11, giao vượt chỉ tiêu theo quy định cho các cơ sở mới tuyển sinh, vụ Trường ĐH Ngân Hàng TPHCM phạm quy khi triệu tập nhập học đối với số thí sinh trúng tuyển do hạ điểm so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2.

THANH HÙNG - LÊ LINH

15 trường bị xử phạt và cắt giảm chỉ tiêu trong năm 2011

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã công bố xử phạt vi phạm hành chính và khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 đối với những trường tuyển vượt trên 15% chỉ tiêu: ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (vượt 32,4%); ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương (vượt 25%); ĐH Thăng Long (vượt 23%); Trường CĐ Kinh tế - Công nghiệp Hà Nội (vượt 49%); Trường CĐ Viễn Đông (vượt 36,6%); Trường CĐ Giao thông vận tải II (vượt 30,8%); Trường CĐ Xây dựng Nam Định (vượt 27%); Trường CĐ Bình Định (vượt 22%); Trường CĐ Y tế Bình Thuận (vượt 25%); Trường CĐ Hàng Hải (vượt 21,2%); Trường CĐ Xây dựng số 2 (vượt 20,7%); Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội (vượt 17,1%); Trường CĐ Tài chính Hải quan TPHCM (vượt 16,4%); Trường CĐ Bách Việt (vượt 16%); CĐ Kinh tế - Kỹ thuật thương mại (vượt 15,9%). Các trường 2 năm liền tuyển vượt trên 15% chỉ tiêu, chủ tịch hội đồng tuyển sinh trường phải chịu xử lý theo quy định tại điều 40 của Quy chế tuyển sinh.

PH.THẢO

 ( Theo http://www.sggp.org.vn)

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.