English

Đại học

Sinh viên kiến trúc ĐH Duy Tân kết nối và sáng tạo cùng triển lãm ‘Tropiceering Vietnam’

Khoa Kiến trúc Đại học (ĐH) Duy Tân và ĐH Hawaii đã phối hợp đồng tổ chức một triển lãm độc đáo với tên gọi "Tropiceering Vietnam" tại sảnh Tòa G của ĐH Duy Tân vào ngày 3.1.2024.
 
Triển lãm giới thiệu một số nghiên cứu và thiết kế kiến trúc của nhiều giáo sư, kiến trúc sư, sinh viên tại ĐH Hawaii cùng điểm nhấn đặc biệt chính là các đồ án với mô hình thiết kế của sinh viên ngành Kiến trúc thuộc ĐH Duy Tân. Đồ án kiến trúc của sinh viên Duy Tân có sự đồng hành hướng dẫn của TS Trần Gia Việt Mỹ, giảng viên ĐH Hawaii, Mỹ.
 
Lan tỏa thiết kế kiến trúc hiện đại "tropiceering" ở vùng nhiệt đới
 
Sau nhiều năm nghiên cứu, GS-KTS David Rockwood của ĐH Hawaii đã lựa chọn cụm từ "tropiceering" để nói về các thiết kế kiến trúc hiện đại phù hợp với nhịp sống sôi động, với khí hậu, văn hóa và nghệ thuật ở vùng nhiệt đới. Sau thời gian làm việc cùng với GS-KTS Bundit Kanisthakhon, một triển lãm về tropiceering đã được 2 giáo sư đứng ra tổ chức tại Phòng Triển lãm kiến trúc Haigo and Irene Shen Gallery thuộc ĐH Hawaii vào năm 2021 và đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ cộng đồng kiến trúc sư tại địa phương và thế giới nói chung.
 
Sinh viên kiến trúc ĐH Duy Tân kết nối và sáng tạo cùng triển lãm ‘Tropiceering Vietnam’
TS Trần Gia Việt Mỹ (thứ 2 từ phải qua hàng đầu), GS-KTS Bundit Kanisthakhon
(thứ 3 từ phải qua hàng đầu) cùng các giảng viên và sinh viên ĐH Duy Tân bên một công trình tỷ lệ 1:1
 
Từ đây, tinh thần thiết kế kiến trúc "tropiceering" đã lan tỏa rộng khắp đến Thái Lan và Việt Nam, đồng thời đang nhận được sự đặc biệt quan tâm từ các quốc gia có cùng chung vùng khí hậu nhiệt đới như Singapore, Malaysia, Indonesia… Mục đích của thiết kế kiến trúc theo tinh thần "tropiceering" là mang lại các giải pháp thiết kế phù hợp với khí hậu nhiệt đới, giúp môi trường sống và làm việc của người dân địa phương được thuận lợi nhất.
 
"Tropiceering Vietnam" được tổ chức tại ĐH Duy Tân đã tạo ra một không khí đầy hứng khởi trong không gian trưng bày đa dạng các mô hình, bản vẽ và các dự án kiến trúc độc đáo được thiết kế phù hợp với địa hình, khí hậu, và môi trường của TP. Đà Nẵng nói riêng và vùng nhiệt đới nói chung. Một mô hình thiết kế và xây dựng có tỷ lệ 1:1 của sinh viên năm 2 ngành Kiến trúc của ĐH Duy Tân đã tạo được điểm nhấn tại triển lãm và được đánh giá cao bởi khách mời cũng như các giáo sư đến từ ĐH Hawaii.
 
Tất cả các đồ án được trưng bày tại triển lãm vừa phải đảm bảo được các yêu cầu của môn học vừa phải đáp ứng được các tiêu chí do GS-KTS Bundit Kanisthakhon - người trực tiếp quản lý về chất lượng tiêu chuẩn "Tropiceering" đưa ra, bao gồm:
 
- Cách triển khai vật liệu, kết cấu, phong cách kiến trúc,…
- Xử lý không gian và các chức năng kiến trúc sao cho phù hợp với khí hậu địa phương
- Sáng tạo trong cách liên kết và phân bố không gian…
 
Phát biểu tại triển lãm, GS-KTS Bundit cho biết: "Thiết kế và Thi công Kiến trúc là các môn học rất thử thách và có rất ít trường trên thế giới triển khai tối ưu được trong quá trình đào tạo. Do đó, các thiết kế mà sinh viên Duy Tân tạo nên thực sự là những thành phẩm tuyệt vời. Tôi rất tuyên dương điều đó, và các bạn nên tự hào vì những gì mình tạo được".
 
Sinh viên kiến trúc ĐH Duy Tân kết nối và sáng tạo cùng triển lãm ‘Tropiceering Vietnam’
TS Trần Gia Việt Mỹ - Giảng viên ĐH Hawaii nhận xét về các đồ án của sinh viên ngành Kiến trúc DTU
 
Hoàng Văn Tấn Đạt, một trong những sinh viên đã thiết kế và xây dựng công trình tỷ lệ 1:1 dưới sự hướng dẫn của TS Trần Gia Việt Mỹ chia sẻ: "Trong quá trình thực hiện đồ án, chúng em phải đảm bảo các tiêu chí thiết kế như: tránh lãng phí nguyên vật liệu, hay quản lý thời gian và chi phí một cách hiệu quả. Một bài học giúp hạn chế sự lãng phí vật liệu mà chúng em rút ra được là giới hạn số lần thay đổi kích thước của vật liệu trong quá trình thiết kế. Nếu thiết kế không phù hợp với kích thước chuẩn của vật liệu, việc cắt và thay đổi kích thước sẽ làm tốn nhiều thời gian trong quá trình thi công. Điều này không chỉ gây lãng phí vật liệu mà còn tăng chi phí thực hiện. Nhìn rộng ra, những tiêu chí này phù hợp với khái niệm Kiến trúc Bền vững đang rất thịnh hành ở các quốc gia phát triển".
 
Thiết kế đồ án cùng các thầy cô ĐH Hawaii, Mỹ
 
Để có thể thuyết trình và trưng bày thiết kế tại Triển lãm "Tropiceering Vietnam", sinh viên ngành Kiến trúc của ĐH Duy Tân đã học tập và làm việc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của TS Trần Gia Việt Mỹ, giảng viên ĐH Hawaii cùng các cộng sự. TS Việt Mỹ liên tục hỗ trợ giảng dạy môn Đồ án cơ sở 2 và Đồ án thiết kế nâng cao dành cho sinh viên Kiến trúc của trường. TS Việt Mỹ hiện đang là đồng sở hữu Studio Ki’owao - một công ty chuyên về thiết kế và thi công tại thành phố Honolulu, Hawaii. Ông cũng đã sáng lập Công ty My Tran Studio, tập trung nghiên cứu và thiết kế nhà cửa sử dụng những vật liệu mới cho những người có thu nhập thấp.
 
Sinh viên kiến trúc ĐH Duy Tân kết nối và sáng tạo cùng triển lãm ‘Tropiceering Vietnam’
Các thiết kế micro homes của sinh viên ĐH Duy Tân trong triển lãm "Tropiceering Vietnam"
 
Tùy vào yêu cầu của các môn học, TS Việt Mỹ đưa ra các chủ đề cụ thể:
 
- Đồ án cơ sở 2 - Design/Build Studio (dành cho sinh viên năm 2): yêu cầu sinh viên thiết kế và xây dựng mô hình của một công trình công cộng với tỷ lệ 1:1.
 
- Đồ án thiết kế nâng cao - Floating Architecture (dành cho sinh viên năm 3): tập trung vào nghiên cứu các vấn đề xã hội và đưa ra giải pháp kiến trúc phù hợp, cụ thể ở kỳ học này là tìm hiểu để thiết kế các kiến trúc nổi cho những thành phố ven biển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu toàn cầu; sau đó, đề xuất thiết kế làng nổi phù hợp với văn hóa, khí hậu, và địa hình tại miền Trung Việt Nam.
 
- Tất cả các sinh viên sau khi kết thúc môn học này đều thực hiện thuyết trình các ý tưởng thiết kế của bản thân trước các giảng viên của ĐH Duy Tân và đại diện của ĐH Hawaii. Kết quả, một số thiết kế của sinh viên năm 2 cũng đã được chọn là một phần của Triển lãm "Tropiceering Việt Nam".
 
Triệu Thị Hà Phương - sinh viên Lớp K27CSUKTR chia sẻ: "Thực hiện các đề tài về kiến trúc ‘Làng nổi’ thực sự thú vị đối với em. Bởi lẽ các thiết kế theo kiến trúc nổi rất đặc thù, không phải là kiến trúc phổ biến thường thấy trong đời sống hàng ngày. Khối lượng công việc chúng em đã phải làm nhiều hơn hẳn so với các đồ án khác: từ tìm hiểu tổng hợp thông tin của rất nhiều công trình nổi, chọn lọc, phân loại, tư duy thiết kế,… cho đến lựa chọn cách thuyết trình, trình bày slide, làm diagram như thế nào để phù hợp với phong cách quốc tế và có thể áp dụng để tham gia các cuộc thi về kiến trúc cả trong và ngoài nước về sau".
 
TS Trần Gia Việt Mỹ cho biết: "Trong suốt quá trình giảng dạy và hướng dẫn các bạn sinh viên thực hiện đồ án để phục vụ cho triển lãm lần này, tôi nhận thấy sinh viên Duy Tân rất chăm chỉ và có tư duy khá nhạy bén. Các em nắm bắt vấn đề khá nhanh và biết cách để vận dụng hữu hiệu những kiến thức - kỹ năng đã được học vào thực tế. Theo tôi, các em cần cập nhật các kiến thức mới, tiếp cận với các công trình hiện đại trên thế giới để nắm bắt được những xu hướng thiết kế mới nhất, thịnh hành nhất. Điều này sẽ hỗ trợ rất tốt cho các em trong quá trình học tập cũng như làm nghề sau này".
 
Với những hợp tác và kết nối với các chuyên gia, các trường đại học và doanh nghiệp trong lĩnh vực Kiến trúc trong và ngoài nước, ĐH Duy Tân đang mang đến cho sinh viên ngành Kiến trúc cơ hội được tiếp thu và nắm bắt các xu hướng thiết kế mới nhất của thế giới, từ đó có thể tự tin tạo nên nhiều kiến trúc đặc biệt và ý nghĩa hướng đến phục vụ cộng đồng xã hội.
 
Sinh viên kiến trúc ĐH Duy Tân kết nối và sáng tạo cùng triển lãm ‘Tropiceering Vietnam’
 
Sinh viên kiến trúc ĐH Duy Tân kết nối và sáng tạo cùng triển lãm ‘Tropiceering Vietnam’
 
Sinh viên kiến trúc ĐH Duy Tân kết nối và sáng tạo cùng triển lãm ‘Tropiceering Vietnam’
Các thiết kế micro homes của sinh viên ĐH Duy Tân trong triển lãm "Tropiceering Vietnam"
 
(Nguồn:https://thanhnien.vn/sinh-vien-kien-truc-dh-duy-tan-ket-noi-va-sang-tao-cung-trien-lam-tropiceering-vietnam-185240130100102088.htm)