Với mong muốn truyền “lửa” đam mê nghiên cứu Khoa học, tinh thần khởi nghiệp và lòng yêu nghề cũng như tạo cơ hội trao đổi, nâng cao kỹ năng nghiên cứu, khởi nghiệp cho sinh viên,
Khoa Môi trường & Khoa học Tự nhiên - Trường Công nghệ thuộc Đại học Duy Tân đã tổ chức
Hội nghị Nghiên cứu Khoa học và Khởi nghiệp Sinh viên lần thứ 3 với chủ đề “Sinh viên sáng tạo vì sự phát triển bền vững” vào chiều ngày 30/11/2023.
Các đề tài nghiên cứu, sản phẩm khởi nghiệp mới lạ, hấp dẫn được trình bày
tại Hội nghị Nghiên cứu Khoa học và Khởi nghiệp Sinh viên lần thứ 3
Hội nghị có sự tham dự của bà Hồ Nhật Phương - Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia, TS. Lê Thùy Trang - Phó Trưởng Khoa Môi trường & Khoa học Tự nhiên, các giảng viên trong hội đồng Ban giám khảo cùng đông đảo sinh viên có đề tại báo cáo tại Hội nghị.
Hội nghị Nghiên cứu Khoa học và Khởi nghiệp Sinh viên lần thứ 3 của Khoa Môi trường & Khoa học Tự nhiên đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên trong toàn khoa bởi sự đa dạng của các đề tài nghiên cứu, sản phẩm khởi nghiệp mới lạ, hấp dẫn. Hội nghị lần này được chia thành 2 tiểu ban và các báo cáo được trình bày xoay quanh 2 lĩnh vực là Môi trường và Công nghệ Thực phẩm. Đây thực sự là một sân chơi thú vị và mang ý nghĩa thiết thực, giúp các bạn sinh viên có thể thỏa sức sáng tạo, trình bày những ý tưởng, những sản phẩm thú vị có thể khởi nghiệp trong thực tế.
Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho các sinh viên có đề tài và dự án xuất sắc
Các đề tài nghiên cứu với những chủ đề vô cùng hấp dẫn có thể kể đến như:
- Nghiên cứu quy trình sản xuất xà phòng từ nguyên liệu tự nhiên tốt cho da và thân thiện với môi trường;
- Nghiên cứu tổng hợp than hoạt tính từ bã cà phê nhằm xử lý xanh methylen trong môi trường nước;
- Ảnh hưởng của một số yếu tố đến quá trình sản xuất bột dinh dưỡng giàu Anthocyanin từ khoai mỡ tím;
- Khảo sát yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chuối mật mốc sấy dẻo tỉnh Quảng Trị;
- Khảo sát tình trạng phát thải và đánh giá nhận thức của học sinh về việc phân loại rác và sử dụng nhựa một lần tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị;
- Khảo sát quá trình sấy lần 1 và tỉ lệ phối trộn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trà hoa nở nghệ thuật từ hoa súng xanh;
- Tính phát thải khí từ hoạt động cảng biển: áp dụng tại cảng Tân Cảng, Cái Mép, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Xử lý sulfide bằng phương pháp oxy hóa bậc cao có sử dụng chất xúc tác oxide kim loại trên nền polymer;
- Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình sấy đến trà túi lọc từ hoa súng xanh (Nymphaea Caerulea);
- Nghiên cứu chiết anthocyanin từ vỏ khoai mỡ tím ứng dụng tạo giấy chỉ thị phát hiện hàn the trong thực phẩm.
Tổng kết Hội nghị, các báo cáo của sinh viên nghiên cứu được Hội đồng Khoa học đánh giá rất cao. Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho các dự án xuất sắc nhất. Trong đó:
2 dự án xuất sắc nhất của lĩnh vực Môi trường là:
+ “Nghiên cứu quy trình sản xuất xà phòng từ nguyên liệu tự nhiên tốt cho da và thân thiện với môi trường” của nhóm tác giả Lê Thùy Trang, Bùi Hà Phan, Phan Thanh Sơn, Đỗ Ngọc Thành; và
+ “Khảo sát tình trạng phát thải và đánh giá nhận thức của học sinh về việc phân loại rác và sử dụng nhựa một lần tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” của tác giả Nguyễn Thị Hồng Tình.
2 dự án xuất sắc nhất của lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm là:
+ “Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chuối mật mốc sấy dẻo tỉnh Quảng Trị” của nhóm tác giả Trần Thị Xuân Thương, Nguyễn Hoàng Mỹ Uyên, Lê Thị Huyền; và
+ “Khảo sát quá trình sấy lần 1 và tỉ lệ phối trộn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trà hoa nở nghệ thuật từ hoa súng xanh” của nhóm tác giả Nguyễn Trung Kiên, Lê Thị Hương Lan, Võ Thị Thùy Trâm, Hoàng Thị Ngọc Tài, Ngô Thị Minh Thu, Phạm Thị Nga.
(Truyền Thông)