Những ngày qua, khi 3 xà lan, tàu hút cùng xe múc di chuyển vào Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng để tiến hành nạo vét thí điểm khu vực thi công số 1 ở vùng nước phía đông của Âu thuyền, đã có không ít ý kiến của các chuyên gia về môi trường quan ngại, việc chất bùn sau nạo vét sẽ lại được nhận chìm trên biển Đà Nẵng…
Ngày 14/4, Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, đang thí điểm nạo vét, nhận chìm bùn lưu cữu ở Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, hướng tới việc đưa “điểm nóng” này ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường vào năm 2025.
Chất bùn nạo vét tại Âu thuyền Thọ Quang được đưa lên sà lan có cửa ở đáy để đưa đi nhận chìm trên biển
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt, đơn vị trúng thầu hạng mục này là Liên danh Công ty CP 126 và Công ty CP Phú Xuân sẽ phân ô Âu thuyền để vừa làm, vừa đánh giá hiệu quả, tác động trên cơ sở có sự giám sát, theo dõi của các cơ quan liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ đội Biên phòng, UBND quận Sơn Trà…
Theo Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 của UBND TP Đà Nẵng, phạm vi nạo vét bùn tại Âu thuyền Thọ Quang có diện tích 50,17ha; tổng khối lượng bùn sau khi nạo vét, tách rác và nhận chìm là 346.790m3, tổng kinh phí là 99 tỷ đồng. Về phương án nhận chìm chất nạo vét, sử dụng 3 sà lan có công suất mỗi sà lan 1.495m3/ngày (trung bình 6 chuyến/ngày) để vận chuyển chất nạo vét đi nhận chìm, với khối lượng chất nạo vét dự kiến khoảng 3.500m3/ngày.
Tuy nhiên, những ngày qua dư luận người dân, các chuyên gia về môi trường đã rất quan tâm ngay khi dự án nạo vét tại Âu thuyền Thọ Quang được khởi động đã đặt câu hỏi: Đây là lần đầu tiên thực hiện nạo vét và nhận chìm khối lượng bùn lớn trên biển, theo dự kiến thì trong giai đoạn đầu sẽ vừa thi công, vừa đánh giá tác động với môi trường như vậy liệu có đảm bảo an toàn?
Khi thải trực tiếp hàng trăm nghìn m3 chất bùn nạo vét từ Âu thuyền Thọ Quang ra biển, liệu có tự lắng hay sẽ có những tác động về dòng chảy, tất cả vật chất ở dưới biển bị dịch chuyển và gây nguy hại cho hệ sinh thái, san hô tại biển Đà Nẵng. Đặc biệt là hiện tình trạng động thực vật, san hô biển, ven bán đảo Sơn Trà đang dần bị "nghèo" rất cần được phục hồi và bảo vệ...
Chiều 14/4, trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường - Công nghệ hóa, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, cho rằng, khu vực Âu thuyền Thọ Quang đã là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường từ lâu. Tầng trầm tích dày tích tụ lâu năm đã làm giảm sức chứa của Âu thuyền nên việc dọn rác, nạo vét là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện nạo vét và nhận chìm như thế nào lại là một vấn đề quan trọng, cần hết sức cân nhắc.
Bởi, khối lượng nạo vét khá lớn, lên đến gần 350.000m3, thành phần vật liệu nạo vét có đặc điểm hạt mịn (sét, bột và cát mịn là chủ yếu) nên dễ bị lan truyền, khuếch tán trong môi trường nước, khó lắng xuống đáy. Tỷ lệ ở dạng lỏng cao “Tỷ lệ bùn lên tới ~50%) càng thúc đẩy hiện tượng lan truyền, khuếch tán trong nước nhanh và xa hơn.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Minh Phương, san hô khu vực Bãi Bắc, bán đảo Sơn Trà, hiện nay đã gần như bị hủy diệt hoàn toàn, ở phía nam của bán đảo san hô cũng chết rất nhiều. Một trong những nguyên nhân san hô bị hủy diệt là do trầm tích. San hô phát triển do cộng sinh với tảo. Nếu trầm tích tăng đột ngột thì tảo cộng sinh sẽ chết trước do không đủ ánh sáng để quang hợp, san hô chết sau.
Khi vật chất ô nhiễm trên lan truyền đến sát chân bán đảo Sơn Trà, rạn san hô ít ỏi còn lại nơi đây chắc chắn sẽ bị hủy diệt, kéo theo nó là toàn bộ các sinh vật trong hệ sinh thái rạn san hô bị tác động. Điều này hiển nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch địa phương cũng như những ngư dân có nguồn sống dựa vào vùng biển này...
(Nguồn:https://cand.com.vn/Xa-hoi/moi-lo-moi-truong-khi-nhan-chim-bun-nao-vet-xuong-bien-i650331/?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo)