English

Nghiên cứu

Hội nghị Quốc tế về Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh lần thứ 10 tại ĐH Duy Tân

50 đại biểu đến từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam cùng các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Vương quốc Anh, Pháp, Na Uy, Luxembourg, Australia, Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia,… đã hội tụ tại Đại học (ĐH) Duy Tân để tham dự Hội nghị Quốc tế về các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh (INISCOM2024) do ĐH Duy Tân cùng Liên minh Châu Âu vì sự đổi mới (EAI - European Alliance for Innovation) phối hợp tổ chức vào ngày 20/2/2024. 
 
Hội nghị Quốc tế về Mạng Công nghiệp  và Hệ thống Thông minh lần thứ 10 tại ĐH Duy Tân
GS.TS. Dương Quang Trung - Chủ nhiệm Nghiên cứu Xuất sắc Canada, Giáo sư ĐH Memorial Canada, Giám đốc Nghiên cứu Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc và Giáo sư ĐH Queen Belfast, Anh Quốc (ảnh bên trái); TS. Khalid Uman, ĐH Kyung Hee University, Hàn Quốc (ảnh giữa) và PGS.TS. Hà Đắc Bình - Hiệu trưởng Trường Công nghệ, ĐH Duy Tân (ảnh bên phải) báo cáo tại Hội nghị
 
Đây là hội nghị lần thứ 10 được triển khai với mục tiêu giới thiệu và chia sẻ nhiều nghiên cứu mới trong lĩnh vực này đồng thời các bài báo xuất sắc sẽ được Ban Tổ chức mời đăng cho các số đặc biệt trong các tạp chí quốc tế uy tín như: Springer’s Mobile Networks and Applications hay EAI Endorsed Transactions on Industrial Networks and Intelligent Systems,… Trong đó, Tạp chí Quốc tế Mạng công nghiệp và Hệ thống Thông minh của ĐH Duy Tân (EAI Endorsed Transactions on Industrial Networks and Intelligent Systems) thuộc Q2 - Scopus.
 
GS.TS. Dương Quang Trung - Chủ nhiệm Nghiên cứu Xuất sắc Canada, Giáo sư ĐH Memorial Canada, Giám đốc Nghiên cứu Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc và Giáo sư ĐH Queen Belfast, Anh Quốc; GS.TS. Hyundong Shin và TS. Uman Khalid đến từ Khoa Kỹ thuật Điện tử của ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc),… đã đến tham dự và trình bày các nghiên cứu chuyên sâu mới nhất trong lĩnh vực Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh.
 
Hội nghị Quốc tế về Mạng Công nghiệp  và Hệ thống Thông minh lần thứ 10 tại ĐH Duy Tân
Hội nghị Quốc tế có sự tham dự của nhiều nhà khoa học trên thế giới
 
Bà Veronika Kissova - Quản lý Hội nghị Cấp cao, Liên minh Châu Âu vì sự đổi mới cho biết: “Sự có mặt của các đại biểu ở nhiều quốc gia trên thế giới tại Hội nghị lần này đã chứng tỏ tầm quan trọng đối với việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực Mạng công nghiệp và Hệ thống Thông minh. Chúng tôi mong nhận được thật nhiều các ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này. Tôi cũng chia sẻ mong muốn mời các đại biểu tiếp tục tham gia vào Hội nghị tiếp theo để hoạt động này ngày một đi vào chiều sâu với những nghiên cứu khoa học có ích cho xã hội. Tôi tin tưởng rằng diễn đàn lần này là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi ý tưởng, kết nối cho những nghiên cứu mới ở tương lai.”
 
TS. Võ Nguyên Sơn - Phó Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng thuộc ĐH Duy Tân, Chủ tịch Hội nghị cho biết thêm: “Qua 10 lần tổ chức, trong đó có 8 lần tại Việt Nam, ĐH Duy Tân vinh dự được đăng cai chủ trì 3 lần (các năm 2018, 2022 và 2024), Hội nghị INISCOM đã và đang khẳng định được uy tín, có tác động tích cực và quan trọng đối với cả cộng đồng các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Qua các kỳ Hội nghị, từ phần trình bày của diễn giả chính trong phiên tổng thể đến các báo cáo của các tác giả trong phiên kỹ thuật, nội dung luôn được đảm bảo gia tăng về chất lượng, theo sát và tiếp cận các hướng nghiên cứu mới nổi trên thế giới, ví dụ, INISCOM2024 năm nay có các chủ đề nóng về tính toán và truyền thông lượng tử trong mạng 6G. Ban tổ chức Hội nghị rất mong tiếp tục nhận được sự đóng góp, ủng hộ, và tài trợ từ các nhà khoa học, chuyên gia, các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để Hội nghị ngày một phát triển lớn mạnh.”
 
Có 41 bài báo khoa học của hơn 100 tác giả và đồng tác giả từ 11 quốc gia gửi tới Ban Tổ chức. Trong đó, có 3 báo cáo là các nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học và giảng viên ĐH Duy Tân. Cụ thể là các nghiên cứu: 
 
- Multi-user Ambient Backscatter Communication-based and STAR-RIS-aided Mobile Edge Computing Network with Uplink NOMA Scheme: A Joint Design (Mạng điện toán biên di động sử dụng kỹ thuật tán xạ ngược và bề mặt phản xạ thông minh: Một thiết kế kết hợp) của PGS.TS. Hà Đắc Bình, ThS. Trương Văn Trương, TS. Trương Tiến Vũ (ĐH Duy Tân), TS. Phan Thanh Minh (Học việc Hàng không Việt Nam).
- Energy and Distance Aware Clustering-based Routing for Low-power IoT-enabled Wireless Sensor Networks (Cơ chế định tuyến dựa trên phân cụm có nhận thức năng lượng và khoảng cách trong mạng cảm biến không dây kết nối vạn vật công suất thấp) của ThS. Lê Viết Thanh (ĐH Tôn Đức Thắng), TS. Võ Nguyên Sơn (ĐH Duy Tân), TS. Bùi Minh Phụng (ĐH Văn Lang), ThS. Lê Phương Lan (Học viện Hàng không Việt Nam).
- Joint Secrecy and Latency Performance Analysis for UAV-assisted Uplink NOMA-based IoT Network with Mobile Edge Computing (Phân tích hiệu năng kết hợp bảo mật và độ trễ cho mạng điện toán biên di động kết nối vật vạn sử dụng thiết bị bay không người lái và kỹ thuật đa truy cập phi trực giao) của Nguyễn Quốc Anh Huy, TS. Nguyễn Anh Nhật (ĐH FPT), PGS.TS. Hà Đắc Bình (ĐH Duy Tân).
 
Tại Hội nghị, các diễn giả đã cùng giới thiệu, chia sẻ và thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất về: Hệ thống và mạng viễn thông, xử lý thông tin và phân tích dữ liệu, bảo mật và an toàn thông tin, điện toán, tính toán và truyền thông lượng tử,… trong các Mạng Công nghiệp và các Hệ thống Thông minh cũng như các ứng dụng của IoT vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
 
Hội nghị Quốc tế về Mạng Công nghiệp  và Hệ thống Thông minh lần thứ 10 tại ĐH Duy Tân
Các nhà khoa học cùng chụp hình lưu niệm tại Hội nghị
 
Một số nội dung nổi bật trong các phiên chính của Hội nghị có thể kể đến như:
 
- Tầm nhìn lượng tử: Cách mạng hóa Truyền thông và Hệ thống Tính toán Cường độ cao trong mạng 6G,
- Đề xuất giao thức giảm tải đảm bảo hiệu quả năng lượng cho Mạng Điện toán biên di động UAV NOMA,
- Nâng cao Hiệu quả Năng lượng và Phủ sóng của Mạng cảm biến không dây dưới đất sử dụng nút chuyển tiếp trong Nông nghiệp Thông minh,
- Hệ thống Dự đoán Đái tháo đường tại nhà dựa trên IoT, Học liên kết và Điện toán biên,
-
 
Các báo cáo tại Hội nghị đã phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng về Mạng Công nghiệp và Hệ thống Thông minh, Hệ thống và Mạng Viễn thông, Xử lý Thông tin và Phân tích Dữ liệu, An toàn và Bảo mật thông tin. 
 
Nhận định về tầm quan trọng của việc tổ chức Hội nghị cũng như đẩy mạnh các nghiên cứu trong lĩnh vực này, PGS.TS. Hà Đắc Bình - Hiệu trưởng Trường Công nghệ, ĐH Duy Tân cho biết: “Hội nghị này đã đem đến cho các nhà khoa học nhiều ý tưởng mới, hướng nghiên cứu mới mang tính liên ngành về Điện, Điện tử, Mạng máy tính, Công nghệ Thông tin, Trí tuệ Nhân tạo, Nông nghiệp, Ô tô Tự hành. Đặc biệt, hội nghị tập trung thảo luận sâu về Công nghệ Lượng tử (máy tính lượng tử và truyền thông lượng tử) và mạng di động thế hệ tiếp theo 6G. Ngoài ra, Hội nghị cũng mở ra nhiều cánh cửa hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học và các nhóm nghiên cứu mạnh trên thế giới giúp cho các nhà khoa học của Trường ĐH Duy Tân nói chung và Trường Công nghệ nói riêng có thêm nhiều không gian để thực hiện các đề tài nghiên cứu.”
 
(Truyền Thông)