English

Đại học

Đại học Duy Tân trao Học bổng Toàn phần cho Con gái Cựu binh Gạc Ma

Luôn quan tâm, đồng hành và chia sẻ khó khăn với sinh viên cả trong cuộc sống lẫn học tập, Đại học Duy Tân đã có nhiều sự hỗ trợ, động viên kịp thời tới những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là con em của những gia đình có công với đất nước. Bởi vậy, chiều ngày 13/3/2024, Ban Giám hiệu Đại học Duy Tân đã đến viếng ông Dương Văn Dũng - người tham gia trận chiến Gạc Ma, và trao học bổng cho con gái ông là Dương Thị Mỹ Linh, hiện đang là sinh viên ngành Quản trị Du lịch & Dịch vụ Hàng không tại Trường ĐH Duy Tân khi biết tin gia đình em gặp nhiều khó khăn, mẹ em không lo được học phí cho em tiếp tục học đại học. Đây là món quà ý nghĩa giúp Mỹ Linh yên tâm học tập đồng thời tri ân những người đã cống hiến mồ hôi, công sức, máu xương bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Đại diện Ban Giám hiệu Đại học Duy Tân đến thăm và trò chuyện
với gia đình cựu binh Dương Văn Dũng...
 
Cựu binh Gạc Ma - người cha tự hào của con gái và cả gia đình
 
Dù sinh ra khi ba đã xuất ngũ, không còn là một người lính nhưng qua những câu chuyện được nghe kể lại và được viết trên sách báo, Mỹ Linh và các anh chị của mình cũng như gia đình, họ hàng luôn tự hào về ba là ông Dương Văn Dũng - cựu binh đã từng mang tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cùng đồng đội lấy thân mình quyết tâm giữ đảo Gạc Ma trong trận hải chiến lịch sử vào ngày 14/3/1988. 
 
Ánh mắt của Mỹ Linh long lanh khi nhắc về ba: “Em luôn cảm thấy may mắn khi được làm con của ba và luôn tự hào về ba của mình vì ba đã đóng góp một phần nào đó cho công cuộc gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ba chính là tấm gương để em không ngừng học tập và phấn đấu để trở thành một người con ngoan, một người công dân có ích cho đất nước.”  
 
... và trao quà hỗ trợ gia đình cùng Học bổng Toàn phần cho em Dương Thị Mỹ Linh (áo trắng)
 
Qua lời kể của mẹ Mỹ Linh, hình ảnh về người lính Gạc Ma kiên trung bất khuất năm ấy như hiện lên tâm trí của mọi người. Năm 1987, anh Dương Văn Dũng nhập ngũ khi mới 21 tuổi. Sau đó, anh cùng hơn 70 chiến sĩ có mặt trên tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 định mệnh ra Trường Sa làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. 
 
Nhưng buổi sáng ngày 14/3/1988 định mệnh ấy khiến 64 đồng đội của anh nằm lại biển xa với huyền thoại "Vòng tròn bất tử". Chỉ còn anh cùng số ít đồng đội may mắn thoát chết trong gang tấc. Trên tàu HQ604 có 10 chiến sĩ là người Quảng Nam - Đà Nẵng thì 9 người đã ngã xuống và chỉ còn mình anh là nhân chứng sống. 
 
Sau giây phút sinh tử, cựu binh Dương Văn Dũng cùng 8 đồng đội khác bị phía Trung Quốc bắt giữ và giam cầm. Ở nhà, gia đình và họ hàng nghĩ anh đã chết khi nhận được giấy báo tử. Nhưng sau gần 4 năm bị giam nhốt, năm 1991, anh Dũng được Trung Quốc trả về bằng con đường ngoại giao. 
 
Mỹ Linh luôn ấp ủ ước mơ trở thành Tiếp viên Hàng không
 
Nghe mọi người kể lại rằng sau khi ba em trở về và xuất ngũ được vài năm thì ba mẹ lấy nhau. Ba em làm nghề phụ hồ còn mẹ em bán hàng rong để kiếm sống và nuôi 3 chị em em ăn học. Thế nhưng kinh tế trong gia đình chủ yếu dựa vào gánh hàng của mẹ bởi sau thời gian bị giam nhốt ở Trung Quốc và những ký ức không giờ quên về trận chiến năm ấy, sức khỏe của ba em rất yếu. Thêm nữa, năm 2011 ba em gần như suy sụp vì nỗi đau mất con khi anh trai em mất do tai nạn giao thông.”  
 
Năm 2017, anh Dũng qua đời sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư da đầu, để lại vợ và hai con gái.
 
Cô con gái Út với niềm đam mê làm việc trong lĩnh vực Hàng không 
 
Em chọn Đại học Duy Tân để theo học vì đây là một trong những trường đại học nổi tiếng, được biết đến với chất lượng giáo dục tốt và môi trường học tập năng động, hiện đại. Ban đầu em theo học ngành Kế toán - Kiểm toán PSU, tuy nhiên em rất yêu thích môi trường hàng không và có niềm đam mê đặc biệt với công việc làm tiếp viên hàng không nên sau đó đã quyết định xin chuyển sang ngành Quản trị Du lịch và Dịch vụ Hàng không của nhà trường.”, Mỹ Linh chia sẻ.
 
Là con gái của một cựu binh nên Mỹ Linh luôn có ý thức tự giác học tập rất cao và mang trong mình quyết tâm biến ước mơ trở thành hiện thực. Chăm chỉ và nỗ lực học tập, Mỹ Linh không bao giờ phụ lòng mong mỏi của ba mẹ và thầy cô khi luôn duy trì được thành tích học tập rất tốt. Những tưởng con đường đến với ước mơ của Mỹ Linh sẽ suôn sẻ và bằng phẳng vì ngoài sự nỗ lực của bản thân, em luôn có sự động viên và ủng hộ hết mình của gia đình. 
 
Sau nhiều biến cố của gia đình, nhất là khi ba em bị bệnh ung thư và mất sau một thời gian dài chữa trị thì mọi gánh nặng kinh tế đều dồn lên vai mẹ em. Gánh hàng rong của mẹ ở chợ Đầu mối Hòa Cường không đủ để trang trải cho cuộc sống trong gia đình, đặc biệt là sau dịch COVID-19, kinh tế trong nhà đã khó khăn nay càng khó khăn thêm. Em thương mẹ lắm nhưng chẳng biết làm thế nào vì tuổi em còn quá nhỏ. Chị gái em là giáo viên mầm non nhưng cũng đã có gia đình riêng nên cũng phụ được là bao. Nhiều lần em và mẹ đã bàn đến chuyện nghỉ học vì em cũng không nỡ nhìn mẹ phải vay mượn khắp nơi nuôi mình ăn học. Nhưng rồi nghĩ đến ước mơ của con gái phải dang dở, mẹ em vẫn còn chần chừ chưa quyết định. Sắp tới, em có một học kỳ học tại Hàn Quốc, chi phí học tập bên đó thực sự quá sức với mẹ em nên em vẫn phân vân lắm.”, Mỹ Linh tâm sự.
 
Đáp lại lo lắng của Mỹ Linh và mẹ, ngay khi nhận được thông tin, Ban Giám hiệu Đại học Duy Tân đã quyết định trao học bổng toàn phần trị giá 120 triệu đồng cho Mỹ Linh, nhằm giúp em yên tâm tập trung học tập. Đây là một món quà, là sự động viên và hỗ trợ kịp thời, thực sự có ý nghĩa rất lớn giúp Mỹ Linh vượt qua khó khăn và tiếp tục học tập để theo đuổi ước mơ của mình. 
 
Không chỉ trao tặng học bổng để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp tục nỗ lực học tập, Đại học Duy Tân đã khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của giáo dục và lòng biết ơn đối với những người đã cống hiến vì sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời cũng truyền cảm hứng và khích lệ cho thế hệ trẻ, khẳng định thế hệ trẻ là tương lai của đất nước và xứng đáng nhận được mọi sự đầu tư cũng như hỗ trợ để phát triển tối đa tiềm năng của mình, góp phần xây dựng đất nước như các thế hệ cha anh đi trước.
 
(Truyền Thông)