Nhóm nghiên cứu Vật lý Hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản & Ứng dụng (IFAS), ĐH Duy Tân vừa tham gia đồng chủ trì một bài báo quốc tế trong lĩnh vực Khoa học Khảo cổ.
Công bố Khoa học trên tạp chí Journal of Archaeological Science
Bài báo có tên "Improved thermoluminescence dating for heterogeneous, multilayered and overlapped architectures: A case study with the Oc Eo archaeological site in Vietnam", hay "Phương pháp nhiệt phát quang cải tiến trong xác định niên đại của các kiến trúc bất đồng nhất, đa lớp, và chồng chập: thử nghiệm với di tích khảo cổ Óc Eo tại Việt Nam" vừa được công bố trên tạp chí Journal of Archaeological Science (JAS).
PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng - Trưởng nhóm nghiên cứu Vật lý Hạt nhân, Viện trưởng Viện IFAS cho biết: "Dù nghiên cứu ở lĩnh vực Vật lý Hạt nhân nhưng câu chuyện về khảo cổ, về niên đại của các di tích đã khơi gợi sự tò mò của một nhà khoa học trong tôi.
Từ đó, chúng tôi lập ngay một nhóm nghiên cứu liên ngành, tự bỏ công sức và tìm các nguồn hỗ trợ kinh phí (thậm chí cả một lượng lớn kinh phí cá nhân) để triển khai nghiên cứu nhằm đi tìm câu trả lời chính xác cho niên đại của các di tích khảo cổ tại Óc Eo - Ba Thê.
Nhóm nghiên cứu liên ngành của chúng tôi bao gồm các nhà nghiên cứu trẻ đang làm việc tại:
- Viện IFAS, ĐH Duy Tân,
- Trung tâm Hạt nhân TP.HCM (CNT),
- Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (SISS), và
- Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (DNRI)."
Trước nay, phương pháp phổ biến được sử dụng để xác định niên đại của các khu di tích khảo cổ là phương pháp carbon phóng xạ. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là chỉ có thể gián tiếp xác định được niên đại của các di tích.
Hạn chế thứ hai là rất khó thu thập các mẫu hữu cơ tại các kiến trúc cổ do quá trình phân hủy các chất theo thời gian và tác động xáo trộn của con người.
Trong khi đó, phương pháp nhiệt phát quang (TL) truyền thống thường cho sai số niên đại > 10%, đặc biệt khi áp dụng cho các di tích bằng gạch, đá không đồng nhất, đa lớp và chồng lấp như tại Óc Eo - Ba Thê và nhiều kiến trúc cổ khác trên thế giới, sai số có thể lên đến > 50%.
Do đó, nhóm nghiên cứu liên ngành gồm các nhà khoa học của 4 đơn vị kể trên đã phát triển một phương pháp TL cải tiến dựa trên việc kết hợp các kỹ thuật thực nghiệm và mô phỏng máy tính.
TS. Lưu Anh Tuyên - Phụ trách Phòng Vật lý & Phân tích Hạt nhân, Trưởng nhóm nghiên cứu Phổ kế Hạt nhân thuộc CNT, cho hay: "Phương pháp TL cải tiến đã được các nhà khoa học của CNT tiên phong nghiên cứu từ năm 2010 đến nay.
Từ các kinh nghiệm tích lũy được trong ứng dụng các phổ kế hạt nhân nghiên cứu vật liệu nano, phóng xạ môi trường và liều bức xạ ion hóa, chúng tôi đã nhận thấy những hạn chế của phương pháp TL truyền thống đối với ngành khảo cổ.
Đến năm 2019, sau nhiều nghiên cứu, về cơ bản chúng tôi đã đạt được những bước tiến quan trọng, then chốt trong việc cải tiến phương pháp TL. Sau đó, để hoàn thiện phương pháp, nhóm nghiên cứu liên ngành từ 4 đơn vị đã được thành lập để tiến hành thử nghiệm thực tế đối với một số kiến trúc cổ tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong suốt 3 năm qua".
Các thành viên nhóm trong một chuyến nghiên cứu thực địa tại Óc Eo - Ba Thê (9-2020)
Áp dụng phương pháp TL cải tiến cho 4 vị trí kiến trúc tại Gò Sáu Thuận thuộc di tích Óc Eo - Ba Thê, kết quả đã cho thấy:
• Niên đại của 4 kiến trúc được khảo sát nằm trong khoảng năm 615 - 953 (đầu thế kỷ thứ VII tới giữa thế kỷ thứ X) với sai số đều < 5%. Kết quả này được các chuyên gia phản biện của tạp chí đánh giá rất cao.
• Kết quả niên đại của 1 vị trí trùng khớp với kết quả phân tích độc lập bằng phương pháp carbon phóng xạ trên máy gia tốc (AMS) tại Nhật Bản cho 1 mẫu hữu cơ tìm được tại cùng vị trí.
• Lần đầu tiên phân biệt được niên đại của một kiến trúc chồng lấp: kiến trúc phía dưới có niên đại năm 794, kiến trúc phía trên có niên đại muộn hơn khoảng 159 năm.
Theo TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Khảo cổ, Phó Viện trưởng Viện SISS: "Trước đây, việc xác định niên đại các kiến trúc gạch trong văn hóa Óc Eo là một thách thức với Khảo cổ học bởi lẽ các thành phần hữu cơ (than, gỗ) dùng để phân tích niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ không phản ánh mối quan hệ trực tiếp với các kiến trúc gạch.
Đồng thời, phương pháp TL truyền thống có sai số quá lớn. Việc xác định chính xác niên đại với sai số < 10% là rất quan trọng với khảo cổ học bởi nếu sai số lớn từ 10% - 100% của niên đại vài ngàn năm thì sẽ không thể đưa ra những giải đoán chính xác cho tiến trình lịch sử, khi mỗi vương triều chỉ diễn ra trong vài chục đến vài trăm năm. Trong nghiên cứu này, nhóm chúng tôi đã lần đầu tiên giảm sai số niên đại xuống < 5%.
Trên cơ sở kết quả của đề án "Nghiên cứu khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa" do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì trước đó, vốn đã xác định có nhiều kiến trúc xây bằng gạch với niên đại sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ 5-l và 6, chúng tôi đã xác định được niên đại của các lớp kiến trúc được xây dựng và tái thiết ở các giai đoạn khác nhau, cách nhau khoảng 159 năm bằng phương pháp mới.
Trên cơ sở này, các nhà Khảo cổ học và Sử học sẽ có thêm luận cứ khoa học để đưa ra nhận định chính xác hơn về lịch sử của cộng đồng cư dân cổ Óc Eo - Ba Thê."
Sự phù hợp giữa các kết quả nghiên cứu của nhóm với các kết quả phân tích niên đại bằng phương pháp AMS hiện đại của các nhà khoa học Nhật Bản đã khẳng định độ tin cậy của phương pháp TL cải tiến.
Do vậy trong thời gian tới đây, phương pháp này sẽ mở ra một hướng nghiên cứu rất mới, có ý nghĩa khi áp dụng trên nhiều kiến trúc gạch của văn hóa Óc Eo nói riêng và ở nhiều nơi khác tại Việt Nam nói chung, do các nhà khoa học Việt Nam cải tiến, phát triển và làm chủ.
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu tại Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê
TS. Trần Tuấn Anh - Trưởng Phòng Nghiên cứu Ửng dụng Kỹ thuật Hạt nhân và Đồng vị, Viện DNRI cho biết thêm: "Một phần công việc trong nghiên cứu này xuất phát từ đề xuất của một đề tài cấp Bộ (Bộ Khoa học Công nghệ) do tôi làm chủ nhiệm, giai đoạn 2020-2022.
Đề tài này nằm trong định hướng nghiên cứu dài hạn của Viện DNRI và gồm 2 hợp phần chính là đặc trưng hóa về thành phần nguyên tố hóa học các dạng vật liệu, di vật đất nung và xác định niên đại các kiến trúc bằng gạch tại di tích Óc Eo - Ba Thê.
Trong quá trình thực hiện, dựa trên thế mạnh của các nhóm nghiên cứu, chúng tôi đã phân công nhiệm vụ và tiến hành khai thác thế mạnh của tất cả các thành viên trong đội ngũ chuyên môn liên ngành.
Cũng cần nói thêm rằng, việc gửi đăng bài báo trên tạp chí JAS là rất gian nan với việc phải thảo luận, trả lời phản biện, thậm chí là viết thư kháng nghị với tạp chí nhiều lần. Tuy nhiên, nỗ lực của các nhà khoa học trong nhóm chúng tôi đã được đền đáp khi tạp chí nổi tiếng này chấp nhận đăng và ghi nhận với những kết quả nổi bật cùng ý nghĩa khoa học và xã hội mà công trình này mang lại.
Quan trọng hơn cả, kết quả này sẽ là tiền đề và là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực Khảo cổ của Việt Nam. Trong tương lai, hướng nghiên cứu này sẽ tiếp tục được Viện DNRI đầu tư và phát triển dài hạn với sự hợp tác chặt chẽ của Viện IFAS, CNT và Viện SISS".
(Nguồn:https://tuoitre.vn/nhom-nghien-cuu-cua-dh-duy-tan-tham-gia-dong-chu-tri-mot-cong-bo-quoc-te-ve-khao-co-oc-eo-20230623182010241.htm)