English

Nghiên cứu

Tính toán Thông minh hơn để Giải quyết Bài toán Ứng dụng 4.0

TS. Anand Nayyar - Nghiên cứu viên làm việc tại Viện Nghiên cứu và Phát triển (Đại học Duy Tân), nhìn nhận: “Sự phát triển không ngừng của các ứng dụng mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, với những công nghệ ưu việt như internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo,… giá trị sống, chất lượng sống của con người được nâng thêm tầm cao. Và hội thảo quốc tế về “Lý thuyết và Ứng dụng của Tính toán Thông minh lần thứ 7”, được kỳ vọng đem đến nhiều ý tưởng, mở ra nhiều hướng nghiên cứu, đưa đến nhiều ứng dụng hơn từ giải pháp tính toán thông minh”.
 
Tính toán Thông minh hơn để Giải quyết Bài toán Ứng dụng 4.0
Trong 2 ngày 29 và 30/11/2018 vừa qua, Đại học Duy Tân phối hợp với Quỹ Nghiên cứu Pioneer và Hiệp hội Máy tính Ấn Độ, tổ chức Hội thảo Quốc tế về Lý thuyết và Ứng dụng của Tính toán Thông minh lần thứ 7 năm 2018 (FICTA 2018).Ảnh trên: Tiến sỹ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân phát biểu khai mạc FICTA 2018. -Ảnh: T.N. 
 
FICTA chính là dịp để giới làm công tác nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin chia sẻ, trao đổi những đề tài nghiên cứu và ý tưởng sáng tạo mới với chủ đề Tính toán Thông minh.
 
“Trong bối cảnh các ứng dụng từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại ngày càng nhiều, với mục đích hướng đến những giải quyết các vấn đề được đặt ra khi xây dựng thành phố thông minh, khai thác sâu các đặc tính khi internet kết nối vạn vật, phục vụ quản lý, nâng cao chất lượng sống…
 
Có một thách thức được đặt ra là giải quyết các khối dữ liệu lớn, phân tích chúng, xử lý chúng để phát triển thêm nhiều ứng dụng. Và tận dụng công nghệ thông tin – truyền thông, giới khoa học đang vận dụng những chuỗi mô hình tính toán thông minh và giải quyết các thách thức.
 
Đó cũng cũng là cách để tiếp cận nhanh hơn với các vấn đề của cách mạng công nghiệp 4.0”  - Tiến sỹ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân nhấn mạnh thêm.
 
Tại FICTA 2018 có 2 báo cáo khoa học (chính) của diễn giả uy tín. Đó là GS. Sheng-Lung Peng và TS. Anand Nayyar. 
 
Trong đó, GS. Sheng-Lung Peng là Giảng viên Khoa Khoa học máy tính và Công nghệ Thông Tin, Đại học Quốc Gia Dong Hwa, Đài Loan, đã trình bày về “Hệ thống cảm ứng không dây (WSN)” trong mối quan hệ với thuật tính toán cùng những nghiên cứu thực nghiệm (về việc cân bằng các nút cảm ứng)
 
Tính toán Thông minh hơn để Giải quyết Bài toán Ứng dụng 4.0
 2 diễn giả chính của FICTA 2018: GS. Sheng-Lung Peng (bên trái) và TS. Anand Nayyar. -Ảnh: T.N.
 
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy về thiết kế và phân tích các thuật toán trong Tin - Sinh học, Toán học tổ hợp, Khai thác dữ liệu và Mạng máy tính,...GS. Peng hy vọng bài báo cáo của ông đã gợi ra một số ý tưởng nghiên cứu cho giới khoa học.
 
Từ “Máy bay không người lái kết nối vạn vật” …
 
Chọn lĩnh vực nghiên cứu "Internet of Drone Things - Next Generation Drone Technology" (tạm dịch: Máy bay không người lái kết nối vạn vật - Thế hệ tiếp theo của máy bay không người lái), báo cáo của TS. Anand Nayyar nhận được rất nhiều quan tâm, thảo luận sôi nổi từ các nhà khoa học. 
 
Qua tham luận, TS. Anand Nayyar đưa ra một số ví dụ điển hình về lợi ích của máy bay không người lái. Đơn cử, trong lĩnh vực như giải trí, máy bay không người lại giúp việc quay phim, chụp ảnh có nhiều cảnh quay, góc quay đẹp, lạ mắt, sinh động. 
 
Trong nông nghiệp, giúp chủ các trang trại dễ dàng trong việc phát hiện những khu vực nhiễm sâu hại, cỏ dại để phun thuốc và bón phân. Hay trong lĩnh vực dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, máy bay không người lái có thể theo dõi các khu vực nguy hiểm mà con người không thể tới như núi lửa hay khu vực nhiễm phóng xạ,... “Đặc biệt với sự hỗ trợ từ công nghệ Internet of Things, các loại máy bay không người lái trong tương lai chắc chắn còn mang đến những lợi ích ưu việt hơn nữa cho con người” - TS. Anand nhìn nhận.
 
 Hội thảo FICTA 2018 nhận được hơn 150 bài nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Norway, Anh, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và chủ nhà Việt Nam. Sau quá trình chọn lọc và bình duyệt, 57 bài báo được trình bày tại Hội thảo và sẽ được in trên các ấn phẩm của Springer AISC Series như: ISI Proceedings, Scopus, EI-compedext, DBLP, Google Scholar và Springer Link.
 
Cùng với tham luận từ 2 diễn giả chính (GS. Sheng-Lung Peng và TS. Anand Nayyar), còn có gần 60 tham luận (được báo cáo, chia sẻ và thảo luận ở 5 phiên làm việc chuyên đề).
 
Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đang hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin (là đại biểu đến từ các Viện Nghiên cứu, các đại học của 12 quốc gia) đã đề cập dưới góc độ chuyên môn sâu về: Phân tích dữ liệu lớn, Lý thuyết mờ, Tính toán thông minh, Trí thông minh nhân tạo, An ninh mạng, Thị giác máy tính và nhận dạng, Công nghệ mạng không dây, Intetnet vạn vật,…cùng với các gợi ý ứng dụng.
 
…. đến “Dự đoán tính cách người dùng điện thoại thông qua tập dữ liệu lớn”
 
Tại Hội thảo, các nghiên cứu sinh – giảng viên Đại học Duy Tân đã đóng góp 4 tham luận khoa học tập trung vào các lĩnh vực IoT, Trí tuệ nhân tạo và Big Data như: Internet of Things (IoT) and Deep Neural Network Based Intelligent and Conceptual Model for Smart Cities; Robot Path Planning Using Modified Artificial Bee Colony Algorithm; Privacy, Security and Policies: A review of problems and solution with sematic web technologies và Tracking Big5 Trait Based on Mobile User Blog Data. Các tham luận này đã nhận được đánh giá cao từ giới nghiên cứu có mặt tại FICTA 2018.
 
Đặc biệt, tham luận “Tracking Big5 Traits based on Mobile User Log Data” (Tạm dịch: Theo dõi đặc điểm 5 tính cách dựa trên dữ liệu nhật kí điện thoại di động) của nhóm tác giả đến từ Đại học Duy Tân gồm: Nguyễn Thanh Bình, Đặng Ngọc Dũng, Nguyễn Thị Thúy Hà, Hà Thị Trang, Phan Thị Hương Lam, Trương Đình Huy đã được lựa chọn là 1 trong 5 báo cáo xuất sắc nhất tại Hội thảo.
 
Với tham luận khoa học này, Nhóm tác giả của Đại học Duy Tân đã giới thiệu về một phương pháp dự đoán tính cách người dùng điện thoại thông qua tập dữ liệu lớn về các nhật ký điện thoại di động từ Orange Sonatel Senegal.
 
Theo các tác giả, hoàn toàn có khả năng dự đoán được, đặc điểm tiêu biểu của nhóm 5 tính cách của người dùng, dựa trên các kết quả tính toán theo mức độ khác nhau. Và các tác giả đã xây dựng nên công cụ Tracking Big5 để chứng minh cho độ chính xác của những kết quả đã thu được. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã dành sự quan tâm sâu sắc đến phương pháp Tracking Big5.
 
Hội đồng khoa học FICTA 2018 đã chấm chọn 5 bài báo khoa học/công bố đề tài nghiên cứu mới xuất sắc gồm:
 
1.Domain-specific vs. General-Purpose Word Representations in Sentiment Analysis for Deep Learning Mode .Tác Giả:  Bùi Thanh Hưng.
 
2.Design and Implementation of an IoT-Based Water Purifier System Enabling Predictive Maintenance .Tác giả: Lương Vĩinh Quốc Danh, Đặng Vũ Minh Dung và Nguyen Duy Khánh.
 
3.Improved Generalized LED Index Modulation for Visible Light Communication .Tác giả: Manh Le Tran và Sunghwan Kim ( Hàn Quốc ).
 
4.An Efficient Privacy Preserving Search Scheme for Encrypted Cloud Data. Tác giả:Veningston K and P V Venkateswara Rao  (Ấn Độ).
 
5.Tracking Big5 traits based on mobile user log data. Nhóm tác giả học viên cao học Đại học Duy Tân: Nguyến Thanh Binh, Đặng Ngọc Dũng, Nguyễn Thi Thúy Hà, Hà Thị  Trang, Phan Thi Hương Lam, Trương Đình Huy.
 
Đại học Duy Tân tổ chức hội thảo quốc tế về lý thuyết và ứng dụng của Tính toán thông minh
Ban tổ chức tôn vinh và trao chứng nhận đến 5 tham luận khoa học xuất sắc nói trên. NCS. Trương Đình Huy (ngoài cùng bên trái) - Giảng viên Khoa Đào tạo Quốc tế, Đại học Duy Tân đại diện cho nhóm tác giả đề tài “Tracking Big5” đón nhận chứng nhận tham luận xuất sắc. - Ảnh Quốc Bảo.
 
(Nguồn:http://www.ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=37829)