Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Tp. Đà Nẵng và Quảng Ngãi, PGS. TSKH. Bùi Tá Long - Giảng viên Khoa Môi trường & Tài Nguyên, Trưởng nhóm nghiên cứu ENVIM thuộc Đại học (ĐH) Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa với giảng viên và sinh viên Khoa Môi trường & Công nghệ Hóa - ĐH Duy Tân.
Lần đầu tiên đến với ĐH Duy Tân, PGS. TSKH. Bùi Tá Long đánh giá rất cao những thành tựu mà thầy - trò ĐH Duy Tân đã gặt hái được trong gần 22 năm xây dựng và phát triển, đồng thời vui mừng khi gặp lại nhiều học trò cũ hiện là những giảng viên giỏi chuyên môn và đầy nhiệt huyết của Khoa Môi trường & Công nghệ Hóa (ĐH Duy Tân) như: ThS. Lê Thùy Trang, ThS. Trần Xuân Vũ, ThS. Nguyễn Ngọc Ánh,..
PGS. TSKH. Bùi Tá Long đánh giá cao những thành tựu ĐH Duy Tân đã gặt hái được
trong công tác nghiên cứu cũng như đào tạo (Ảnh: Nguồn http://titan.edu.vn)
Tại buổi giao lưu, PGS. TSKH. Bùi Tá Long đã giới thiệu nhiều phần mềm ứng dụng trong môi trường do nhóm ENVIM phát triển như: Phần mềm Quản lý chất thải rắn nguy hại H-WASTE, Phần mềm Quản lý chất thải rắn đô thị WASTE, Phần mềm tính toán ô nhiễm nước kênh sông ENVIMQ2K, Phần mềm phân vùng chất lượng nước (WQUIZ), Phần mềm đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên tài nguyên nước và đất - SRCLIM,… trong đó đặc biệt phải kể đến là việc thực hiện các mô hình mô phỏng dòng chảy ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng. Được biết, Khoa Môi trường & Công nghệ Hóa - ĐH Duy Tân vừa mới thực hiện chuyến đi thực địa dọc theo bờ biển một số tỉnh miền Trung để khảo sát chất lượng nước biển và trầm tích nên PGS. TSKH. Bùi Tá Long rất quan tâm đến những kết quả nghiên cứu mà Khoa đã thu nhận được.
Trong khuôn khổ của buổi giao lưu, TS. Nguyễn Thị Minh Phương - Trưởng Khoa Môi trường & Công nghệ Hóa, ĐH Duy Tân đã trao đổi với PGS. TSKH. Bùi Tá Long về kết quả chuyến khảo sát môi trường biển miền Trung mà nhóm nghiên cứu của Khoa mới thực hiện trong thời gian gần đây. Theo đó, những kết quả phân tích về chất lượng nước biển, trầm tích và vi sinh vật của Khoa Môi trường & Công nghệ Hóa sẽ góp phần quan trọng vào việc trả lời những câu hỏi về các vấn đề “nhạy cảm” gây bức xúc trong dư luận trong suốt thời gian qua như: Chất lượng nước biển các tỉnh miền Trung hiện nay như thế nào? Có đảm bảo an toàn cho con người khi tham gia các dịch vụ giải trí, thư giãn hay không?,... Đồng thời góp phần cung cấp cho sinh viên nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến tài nguyên, thiên nhiên biển và hải đảo Việt Nam - là mặt rất mạnh và đặc trưng của Khoa hiện nay.
TS. Nguyễn Thị Minh Phương cho biết: “Buổi giao lưu với PGS. TSKH. Bùi Tá Long đã mở đầu cho mối quan hệ hợp tác về đào tạo giữa nhóm Envim và Khoa cũng như mở ra những hướng nghiên cứu mới cho cả hai bên. Chúng tôi sẽ cung cấp cho nhóm ENVIM những dữ liệu môi trường thực tế, hỗ trợ ENVIM trong việc hoàn thiện và phát triển các phần mềm cũng như các mô hình đánh giá chất lượng môi trường. Phía nhóm ENVIM sẽ hỗ trợ Khoa trong việc cung cấp một số phần mềm ứng dụng trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và kết hợp với Khoa trong công tác đào tạo. Trong thời gian tới, Khoa Môi trường sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác với các đơn vị cả trong và ngoài nước, tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo đã và đang thành công tại Khoa như đào tạo thông qua việc thực hiện các projects, (mô hình CDIO), phối hợp thực hiện các dự án trao đổi sinh viên với trường các trường quốc tế trong khu vực như Singapore Polytechnic,… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực thực hành của sinh viên. Ngoài ra, Khoa cũng sẽ phát triển các chương trình đào tạo Thạc sĩ và nghiên cứu sinh, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao đang ngày càng tăng của xã hội.”
(Truyền Thông)