Sáng ngày 22/3/2016, tại Phòng 702 - Đại học Duy Tân cơ sở K7/25 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng đã diễn ra buổi tọa đàm “Kinh tế Việt Nam thời kỳ hội nhập” do PGS. TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì. Buổi tọa đàm có sự tham gia của Ban Giám hiệu Đại học Duy Tân, đại diện các Khoa, Phòng, Ban, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội cùng đông đảo giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong toàn trường.
PGS. TS. Trần Đình Thiên báo cáo tại buổi Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, PGS. TS. Trần Đình Thiên đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về những thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới qua từng giai đoạn. Theo đó, hội nhập đã trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Để phù hợp với xu thế đó, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với phương châm: “Đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại”. Cho đến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 185 nước (năm 1954 mới chỉ có 11 nước), thúc đẩy quan hệ kinh tế cũng như thương mại với 224 thị trường tại tất cả cả châu lục và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới.
Đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên
tham dự buổi Tọa đàm
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đi sâu vào phân tích những thuận lợi cùng khó khăn, thách thức của đất nước đồng thời đưa ra những đánh giá khách quan cùng các giải pháp cải thiện những bất ổn cho nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. “Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thế giới, mang lại nhiều lợi ích cho các nước tham gia như: thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng khả năng thu hút đầu tư vào nền kinh tế, giúp nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và nền khoa học công nghệ quốc gia,… Đây được coi là phương thức hữu hiệu để xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó phải kể đến là các vấn đề về thách thức kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống,… Nắm bắt được xu thế phát triển chung đó, Việt Nam đã tranh thủ tối đa mọi cơ hội nhằm tận dụng và phát huy nội lực của đất nước cùng các nguồn lực bên ngoài để phục vụ hiệu quả cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.” - PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết.
Những ý kiến đóng góp mang ý nghĩa thiết thực cùng các biện pháp nhằm khắc phục khó khăn cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước đã được ghi nhận tại buổi Tọa đàm. Ngoài ra, các thành viên tham dự cũng luận bàn về nhiều vấn đề nổi bật trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam như: Vai trò thành viên của Việt Nam trong các tổ chức kinh tế quốc tế, Sự tích cực tham gia vào đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do của nước ta trong thời gian qua, Những thành tựu của Việt Nam trong việc tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường,…
(Truyền Thông)