English

Giấc mơ Duy Tân

Tọa đàm Giáo dục Đại học trong bối cảnh Hội nhập và Toàn cầu hóa

Cùng với xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, các quốc gia trong đó có Việt Nam đang có những bước đi thiết thực nhất để đổi mới và nâng cao chất lượng ngành nghề nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Một trong những lĩnh vực có tác động, có khả năng làm thay đổi để nâng cao chất lượng ngành nghề và chất lượng sống của con người hiện nay chính là Giáo dục Đại học. Mong muốn góp phần đưa giáo dục nước nhà đi lên, sáng ngày 30/5/2015, Đại học Duy Tân đã tổ chức Tọa đàm “Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa” với sự tham gia của nhiều khách mời nguyên là lãnh đạo các Sở Giáo dục & Đào tạo và các Ban, Ngành của Quảng Nam - Đà Nẵng.
 
 
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ phát biểu tại buổi tọa đàm ...
 
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm 60, Sài Gòn của Việt Nam được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông, Viện Đại học Sài Gòn là một trong những điểm sáng nhất về giáo dục của Đông Nam Á. Chiến tranh xảy ra đã mang đến nhiều hệ lụy cho đất nước, khiến giáo dục cũng như nhiều lĩnh vực khác chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng dù hòa bình lập lại đã được 40 năm. Con đường duy nhất để đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới chính là con đường xây dựng một nền tảng trí tuệ và nguồn lực vững mạnh. Để thực hiện điều đó cần có những thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước có bản lĩnh, có kiến thức và có một lòng đam mê. Từ suy nghĩ đó, Đại học Duy Tân đã tổ chức đêm Khát vọng Duy Tân nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong các bạn trẻ, ấp ủ thực hiện ‘Giấc mơ Duy Tân: Hợp tác quốc tế, Nâng tầm Trí tuệ, Vươn tới Tương lai, Sánh vai Toàn cầu’. Khởi động diễn đàn trí tuệ Đại học Duy Tân với buổi tọa đàm ngày hôm nay, nhà trường mong muốn được lắng nghe nhiều hơn những ý kiến đóng góp và xây dựng cho đề án đổi mới Giáo dục Đại học của Duy Tân nói riêng và cho nền giáo dục nước nhà nói chung, góp phần vào công cuộc đào tạo những nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ đức, đủ tài đưa đất nước vươn tầm quốc tế.”
 
 
  ... và chụp hình lưu niệm cùng các khách mời
 
Nhiều ý kiến được đưa ra tại buổi toạ đàm, xoay quanh việc giải quyết các vấn đề: Vì sao phải hội nhập? Hội nhập như thế nào? Hội nhập theo xu hướng nào?... Hội nhập là xu hướng tất yếu giúp đất nước phát triển về mọi mặt, mở rộng hợp tác quốc tế để rút ngắn khoảng cách với các cường quốc, giúp người lao động nhất là những lao động trẻ có trình độ và kỹ năng tìm được việc làm tốt. Để làm được điều đó, cần phải có một nền giáo dục vững mạnh để đào tạo nên những con người đáp ứng được nhu cầu của đất nước và thời đại. Năm 2013, Nghị quyết số 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ra đời nhằm tạo ra một sự bứt phá trong giáo dục. Tuy nhiên, để có kết quả thực sự như mong đợi cần phải có sự thống nhất và đồng bộ cao hơn giữa các cơ sở giáo dục. Vì vậy, các buổi tọa đàm, hội thảo hiện nay đều mong muốn tìm ra nguyên nhân vì sao nền giáo dục Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng bởi muốn phát triển giáo dục, ngoài việc phải lấy nghiên cứu Khoa học là gốc của chất lượng Giáo dục Đại học, cần phải hợp tác với các nước có nền giáo dục phát triển, đề cao tư duy và óc sáng tạo của thế hệ trẻ,…
 
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Giáo dục & Đào tạo, ông Nguyễn Hoàng Long - Nguyễn Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Đà Nẵng nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao sáng kiến của Đại học Duy Tân khi tổ chức một diễn đàn để chúng ta cùng trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ những vấn đề bức thiết hiện nay của hội nhập trong lĩnh vực Giáo dục Đại học trên cơ sở những định hướng và mong muốn chung. Chúng ta hội nhập phải sâu rộng, toàn diện và tự chủ nhưng đồng thời phải tránh khuynh hướng hội nhập giáo điều, bất chấp hoàn cảnh lịch sử và điều kiện của đất nước. Các cơ sở giáo dục như Đại học Duy Tân cần tăng cường thiết lập các mối quan hệ hợp tác quốc tế, phát huy nội lực để phát triển lớn mạnh hơn nữa. Duy Tân là một trường đại học năng động, có nhiều hoạt động hiệu quả và đúng hướng tiến tới hội nhập như ký kết hợp tác với nước ngoài, chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến, trao đổi sinh viên,… Vì thế, nhà trường cần tổng kết lại những hoạt động mang tính hội nhập để rút kinh nghiệm và chia sẻ với các cơ sở giáo dục khác.”

Là Đại học tư thục Đầu tiên và Lớn nhất miền Trung, hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Đại học Duy Tân đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hơn 40.000 nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa những Hội thảo và Tọa đàm như “Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa” để cùng các lãnh đạo và chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, góp phần vào tiến trình hội nhập của đất nước.

(Truyền Thông)