Sự gia tăng và trẻ hóa các bệnh nhân mắc ung thư trong thời gian gần đây đã có tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần, vật chất của con người. Trên con đường tìm kiếm các phương thuốc chữa trị bệnh ung thư, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu từ các cây thuốc quý. Những chia sẻ của TS. Phương Thiện Thương - Trưởng Khoa Hóa Phân tích & Tiêu chuẩn, Viện Dược liệu tại Seminar “Sàng lọc và Tìm kiếm các hợp chất có tác dụng chống ung thư từ nguồn cây thuốc Việt Nam” do Trung tâm Sinh học Phân tử - Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ cao Đại học Duy Tân tổ chức chiều 5/1/2015 đã mang đến những góc nhìn mới về cây thuốc Việt Nam - một đối tượng nghiên cứu thực sự có ý nghĩa góp phần chữa trị bệnh ung thư.
TS. Lê Thành Đô - Phó Khoa Dược kiêm cán bộ nghiên cứu Trung tâm Sinh học Phân tử
khái quát mục đích, ý nghĩa của Seminar
Theo thống kê, hàng năm trên thế giới có khoảng 12 triệu người mắc bệnh ung thư, 8 triệu người chết vì căn bệnh hiểm nghèo này. Năm 2012, ở Việt Nam có khoảng 300.000 người mắc bệnh và 200.000 người chết vì ung thư. Chống lại bệnh ung thư là một cuộc chiến dài, tiêu tốn tiền bạc và công sức của toàn nhân loại. Thời gian gần đây, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra nhiều hợp chất tự nhiên để chữa bệnh ung thư, điển hình trong số các thuốc này là Palitaxel (taxol) từ cây thông đỏ (Taxus brevifolia), vinblastin và vincristin từ cây dừa cạn (Catharanthus roseus), podophylotoxin từ loài Podophylum pentatum, camptothecin từ loài Camptotheca acuminate,… Các chất này và nhiều dẫn xuất của chúng đã được sử dụng điều trị ung thư trong lâm sàng. Các nhà khoa học Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm tìm kiếm các chất chống ung thư từ nguồn cây thuốc quý trên mảnh đất Việt. Trong đó có đề tài “Nghiên cứu những sản phẩm tự nhiên chống ung thư từ cây thuốc Việt Nam” của TS. Phương Thiện Thương được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt từ năm 2010.
Tại Seminar “Sàng lọc và Tìm kiếm các hợp chất có tác dụng chống ung thư từ nguồn cây thuốc Việt Nam”, TS. Phương Thiện Thương đã trình bày về tiềm năng cũng như kết quả nghiên cứu các hoạt chất chống ung thư từ những loại thực vật đặc hữu ở Việt Nam. Theo đó, TS. Phương Thiện Thương đã phân lập các thành phần trong một số loại thực vật đặc hữu ở Việt Nam như Cây Khổ sâm Bắc bộ, Hạt cây Nhục đậu khấu,... sàng lọc, đánh giá và đã chọn được những chất có hoạt tính tốt để tiếp tục nghiên cứu bào chế thành nhiều loại thuốc chữa bệnh ung thư.
TS. Phương Thiện Thương trình bày nội dung đề tài nghiên cứu tại Seminar
Những thông tin hữu ích tại Seminar do TS. Phương Thiện Thương trình bày trở thành nguồn tư liệu quý để Đại học Duy Tân có những định hướng đúng đắn trong công tác nghiên cứu khoa học. Buổi thảo luận cũng mở đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ cao và Khoa Dược của Đại học Duy Tân với Viện Dược liệu.
Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những hỗ trợ không nhỏ để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại Đại học Duy Tân. Hợp tác với Viện Dược liệu sẽ mang đến cơ hội mới cho cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Duy Tân đẩy mạnh công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hy vọng trong tương lai, hai đơn vị cùng nhau tìm ra các hướng nghiên cứu khoa học mới để nâng cao chất lượng chăm sóc và chữa bệnh cho con người.
(Truyền Thông)