English

Nghiên cứu

Khủng hoảng Nợ công châu Âu và Bài học Kinh nghiệm cho Việt Nam

Khởi phát từ Hy Lạp vào đầu năm 2010, cuộc khủng hoảng nợ công nhanh chóng lan ra các nước châu Âu trong đó có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ... Mặc dù các gói cứu trợ liên tiếp được thông qua để giúp các nước châu Âu vượt khỏi đáy cuộc khủng hoảng tuy nhiên, “dư chấn” của chúng vẫn còn ảnh hưởng tới hôm nay và trở thành bài học lớn cho các nước. Lựa chọn chủ đề luôn mang tính thời sự và có tầm quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước, Hội thảo Khoa học “Khủng hoảng Nợ công ở một số nước Liên minh châu Âu và Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” diễn ra sáng 29/11/2014 do Đại học Duy Tân tổ chức đã thu hút đông đảo các Quan khách, nhà nghiên cứu trong toàn quốc và cán bộ, giảng viên Nhà trường tham dự.
 
 
GS. TS Đỗ Hoài Nam phát biểu tại Hội thảo
 
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra xuất phát từ khủng hoảng tín dụng và nhà đất tại Mỹ đã tạo nên “cú sốc” lớn tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Để cứu vãn nền kinh tế, các quốc gia đều phải tăng chi tiêu công, biến các khoản nợ tư nhân thành nợ công. Hệ quả là nợ công của các nước thuộc EU tăng vọt. Các nước có nợ công tăng cao đều phải cầu viện các cứu trợ để tránh vỡ nợ. Trước tình trạng đó, các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung Euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thông qua khoản vay 110 tỷ euro cho Hy Lạp, với điều kiện nước này phải thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt. Bộ trưởng Bộ Tài chính châu Âu đã thông qua gói giải cứu trị giá 750 tỷ euro nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính ở khu vực châu Âu đồng thời lập ra Ủy ban Ổn định Tài chính châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ công đã làm tổn thất hàng nghìn tỉ USD thu nhập tài chính của các nước thành viên EU đồng thời chứng kiến giá trị của đồng Euro sụt giảm chưa từng có.
 
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao chất lượng sống của người dân..., Chính phủ các nước đều phải thực hiện các khoản vay trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, các khoản vay đó phải thỏa mãn quy định của Thỏa ước ổn định và tăng trưởng (mức thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% GDP và nợ công không vượt quá 60% GDP). Những năm gần đây, nợ công của Việt Nam tăng cao đã có những tác động nhất định đến nền kinh tế. Theo TS. Đoàn Hồng Lê - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đại học Duy Tân: “Mặc dù Việt Nam vẫn có mức tăng trường kinh tế tốt nhưng tỷ lệ nợ công/GDP vẫn tăng qua các năm. Nguyên nhân là do mô hình phát triển còn dựa nhiều vào đầu tư công, đầu tư công lớn nhưng hiệu quả lại hạn chế dẫn đến tốn kém và lãng phí. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước còn phải chi một lượng lớn để duy trì một bộ máy cồng kềnh nhưng năng suất hoạt động chưa cao, khối doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả, quản lý bộc lộ nhiều yếu kém. Nhìn từ cuộc khủng hoảng của một số nước châu Âu, để thoát khỏi gánh nặng nợ công, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như phải có một cơ chế kiểm soát tài khóa chặt chẽ và phù hợp, cải tiến công cụ và biện pháp quản lý nợ công, chủ động đề phòng khủng hoảng nợ công, giảm đầu tư công tràn lan, thu gọn bộ máy chính quyền và nâng cao năng suất hoạt động của viên chức Nhà nước, giải quyết tham nhũng, có giải pháp tích cực và hiệu quả để giải quyết khối lượng nợ xấu đang tồn đọng hiện nay...”
 
 
Đông đảo các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo 
 
Ở một góc nhìn khác, TS. Hoàng Hồng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Xã hội Vùng Trung bộ khẳng định nợ công có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước nếu quốc gia sử dụng nợ công có chất lượng thể chế tốt, không tham nhũng và một Chính phủ hoạt động hiệu quả. Điều này có thể đảm bảo đồng vốn vay nợ được Chính phủ sử dụng một cách minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả trên phương diện phục vụ tăng trưởng kinh tế. TS. Đoàn Ngọc Xuân - Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương cũng đã đưa ra những góc nhìn từ pháp luật và thực tiễn về vấn đề nợ công Việt Nam. Theo đó, trước bài học kinh nghiệm từ khủng hoảng nợ công ở một số nước Liên minh châu Âu, nhìn từ góc độ pháp luật, việc huy động, quản lý và sử dụng nợ công của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được một số kết quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nợ công đã từng bước được nghiên cứu, xây dựng, ban hành, bổ sung và hoàn thiện, tiếp cận dần với thông lệ quốc tế; đã bước đầu chú trọng quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công; việc quản lý vốn vay, thanh toán và quyết toán được thực hiện khá đẩy đủ và kịp thời; thực hiện công bố về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia thông qua hình thức phát hành Bản tin về nợ theo quy định của pháp luật... Để đảm bảo bền vững an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia, cần nghiên cứu thực hiện và đồng bộ các giải pháp: đổi mới chính sách tài khóa và quản trị ngân sách quốc gia, đổi mới quản trị nợ công, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nợ công.
 
Hội thảo Khoa học “Khủng hoảng Nợ công ở một số nước Liên minh châu Âu và Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” đã thu hút 38 báo cáo của các nhà nghiên cứu trên toàn quốc, trong đó có các nhà nghiên cứu, giảng viên Đại học Duy Tân. Với sự am hiểu và phân tích sắc nét về nợ công của các nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu châu Âu, Văn phòng ban Kinh tế Trung ương, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Khoa học - Xã hội Vùng Trung bộ, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng, Đại học Tài chính - Marketing, Học viện Cao học Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Ngân hàng SHB Đà Nẵng Trường THPT Vĩnh Định - Quảng trị... các báo cáo đã mang đến một cái nhìn khái quát về Nợ công, về cuộc khủng hoảng, giải pháp và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. 
 
GS. TS Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực sự vui mừng trước những nghiên cứu đầy tâm huyết, có chất lượng cao về vấn đề nợ công của các nhà nghiên cứu: “Mặc dù cuộc khủng hoảng châu Âu đã xuất hiện nhiều gam màu sáng, tuy nhiên hệ quả từ khủng hoảng khiến các nước đang gặp không ít khó khăn để thúc đẩy đất nước phát triển. Vấn đề nợ công không chỉ đặt lên các chương trình nghị sự mà nhiều hội thảo cũng được tổ chức để chung tay tái cấu trúc nền kinh tế của từng quốc gia. Đại học Duy Tân đã thực sự đúng đắn khi tổ chức một hội thảo ý nghĩa, cần thiết để các nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến cho vấn đề nợ công của Việt Nam. 38 tham luận gửi đến đã có tiếng nói đồng thuận về nợ công, về các giải pháp giải quyết nợ công... Các đề tài nghiên cứu tại hội thảo này sẽ là tài liệu quý giá để các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách tham khảo, là tài liệu quan trọng phục vụ cho giảng dạy. Hội thảo do Đại học Duy Tân tổ chức đã thực sự thành công và mong rằng sẽ có nhiều hội thảo được tổ chức tiếp nối để tạo nên một diễn đàn ý nghĩa giúp các nhà nghiên cứu trao đổi thông tin về nợ công cũng như đóng góp ý kiến góp phần thúc đẩy đất nước phát triển.”

(Truyền Thông)