Ngày 7/7, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển tổ chức
seminar “Latex và LyX trong soạn thảo và
xuất bản các ấn phẩm khoa học” tại P706 - K7/25 Quang Trung, Tp Đà Nẵng. TS
Võ Thanh Tùng - cán bộ nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển đã thu
hút những người tham dự seminar bằng việc bật bí những khám phá thú vị từ sự
chuyên nghiệp và ứng dụng cao khi sử dụng Latex và LyX.
TS. Võ Thanh Tùng trình bày tại buổi Seminar
Năm 1977, thế giới đã biết đến hệ thống xử lý văn bản
(Tex) của nhà khoa học Donald Knuth khi ông tạo ra những văn bản khoa học có độ
chính xác và tính chuyên nghiệp cao. Sau đó, nhà khoa học Leslie Lamport đã
phát triển Tex thành một hệ thống mới mang tên Latex. Ngày nay, Latex càng được
ưu tiên sử dụng bởi có nhiều các tính năng mới giúp cho việc soạn thảo trở nên
đơn giản mà vẫn tạo ra các văn bản có định dạng đẹp, bố cục hài hòa, font chữ
phù hợp với quy định của từng ngành. Đặc biệt, các nhà khoa học rất “chuộng”
Latex bởi có thể soạn thảo và xử lý các văn bản khoa học có độ phức tạp cao như
các công thức toán học, các hình vẽ kỹ thuật… mà Microsoft Word hay nhiều phần
mềm khác không thể làm được. Tại seminar, TS. Tùng đã giới thiệu về Lyx - phần
mềm tiền xử lý (front-end) của Latex để tạo nên các văn bản với giao diện đẹp,
các lệnh được biểu tượng hóa… hỗ trợ đắc lực cho các tạp chí khoa học khi biên
tập và xuất bản các ấn phẩm khoa học.
“Các nhà khoa học
và các nhà xuất bản khoa học kỹ thuật đã khẳng định Latex là hệ thống tiêu chuẩn
trong hoạt động soạn thảo, biên tập và xuất bản các ấn phẩm khoa học. Các tính
năng được phát triển sau này của Latex còn giúp người dùng tạo ra các slide trình
chiếu có chất lượng thẩm mỹ rất cao. Ngoài ra, Latex còn tạo ra được các văn bản
tương tác được với người dùng như các phiếu điều tra hay các đề thi trắc nghiệm
trực tuyến”, TS. Tùng cho biết.
Áp dụng Latex và Lyx vào tạp chí Khoa học và Công nghệ của
Đại học Duy Tân giúp cho ấn phẩm này không chỉ đẹp mà còn mang tính khoa học
cao, rất dễ theo dõi và tìm kiếm. Bên cạnh đó, giảng viên còn có thể sử dụng
Latex và Lyx để soạn thảo các bài báo khoa học, viết sách, giáo trình hoặc tạo
nên hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm.
(Truyền Thông)