“Quảng Nam đã được xem là một vùng đất có truyền thống yêu nước, cách mạng và nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Văn học là biểu hiện kết tinh những giá trị đời sống, tâm hồn, tình cảm, lịch sử một đất nước, một dân tộc, một vùng đất. Nghiên cứu lịch sử văn học Quảng Nam thế kỷ XX sẽ giúp chúng ta phát hiện những giá trị kết tinh ấy nhằm gìn giữ và phát huy nguồn sức mạnh tinh thần vô giá trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của quê hương.” - Đó là lời phát biểu khai mạc của TS. Phan Ngọc Thu tại hội thảo khoa học về “Mấy vấn đề về văn học Quảng Nam-Đà Năng thế kỷ XX” diễn ra tại ĐH Duy Tân vào sáng ngày 24/06 vừa qua.
TS. Phan Ngọc Thu phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, các Giáo sư, Tiến sĩ đến từ Học viện Khoa học Xã hội ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, các nhà văn xứ Quảng cùng đông đảo cán bộ, giảng viên khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn (KHXH&NV) ĐH Duy Tân.
Đã có gần 100 tham luận gửi đến hội thảo. Tại hội thảo các nhà nghiên cứu, nhà văn đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến làm sáng tỏ các vấn đề: khái niệm văn học Vùng và vấn đề nghiên cứu văn học vùng trong bối cảnh đổi mới, hội nhập, những thành tựu nổi bật của văn học Quảng nam Đà Nẵng thế kỷ XX qua từng thời kỳ và qua các tác giả, tác phẩm tiêu biểu, vị trí và đặc trưng của Văn học Quảng Nam - Đà Nẵng trong nền văn học cả nước.
GS. Phong Lê trình bày ý kiến tại Hội thảo
Theo GS. Phong Lê, qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm thực dân chúng ta vẫn giữ được bản sắc riêng của dân tộc. Chúng ta có thể nghiên cứu văn học vùng/miền nhưng chúng ta không được quên cái chung của bản sắc Việt. Nó là sự cộng hưởng của tất cả những cái riêng.
“Hôm nay chúng ta ngồi đây để tìm ra bản sắc riêng của Quảng Nam, nhưng phải lưu ý rằng tìm ra những cái riêng là để góp phần làm đậm lên một cái chung, đó là một bản sắc Việt không đơn điệu” - GS. Phong Lê nhấn mạnh.
Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu cũng đề xuất hướng nghiên cứu cũng như những tiêu chí để chọn ra các tác giả, tác gia tiêu biểu nhất của văn học xứ Quảng ở thế kỷ XX. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, thống nhất được các tiêu chí sẽ giúp cho Ban Chủ nhiệm đề tài giải quyết được các vướng mắc và hoàn thành đề tài một cách toàn diện hơn.
Kết thúc hội thảo, TS. Phan Ngọc Thu đã trân trọng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu. “Những sai sót mà các anh chị bổ khuyết chúng tôi sẽ ghi nhận và trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi với nhau để có thể hoàn thành đề tài một cách tốt nhất” , TS. Thu kết luận.
Được biết, hội thảo lần này là một trong những hoạt động trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Lịch sử Văn học Quảng Nam thế kỷ XX” được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Đại học Duy Tân chủ trì.
(Truyền Thông)