English

Giấc mơ Duy Tân

Cuộc hội ngộ của những người “Một thời Sống đẹp”

Những bàn tay siết chặt, những cái ôm riết nóng và cả những giọt nước mắt rưng rưng… đó là những hình ảnh đầu tiên mở màn cho hội thảo “Nhìn lại phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức và văn nghệ sỹ tại các thành thị miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975”. Đây là một cuộc hội thảo đặc biệt, cuộc hội ngộ của những chứng nhân sống, của những con người “Một thời Sống đẹp”. Hội thảo do Đại học Duy Tân và Ban Liên lạc phong trào học sinh, sinh viên (HSSV) miền Nam trước năm 1975 phối hợp tổ chức.
 
 
Thầy Lê Công cơ phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Phạm Chánh Trực - Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Tp. HCM, Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm - Nguyên Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn cùng hơn 400 đại biểu là các nhà khoa học, nhà văn và đặc biệt là những người từng tham gia phong trào phản chiến đến từ Thừa Thiên - Huế, Tp. Đà Nẵng, Quảng Nam, Tp. Hồ Chí Minh,  Cần Thơ,... Hội thảo do Thầy Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, Quyền Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đồng thời cũng là một trong những nhà lãnh đạo của phong trào HSSV Huế chủ trì.

Đã có 60 tham luận được in trong kỷ yếu trong đó có nhiều tham luận đáng chú ý như: Đại hội sinh viên thế giới tại Sài Gòn năm 1972; phật giáo với hạnh nguyện đấu tranh vì dân tộc và đạo pháp trong thời kỳ hòa đàm Paris 1969-1973; phong trào đấu tranh yêu nước của giới công giáo miền Nam, báo chí và văn nghệ tiến bộ, yêu nước; vai trò của HSSV trong phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc…
 
 
Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Suốt 3 phiên họp, đã có 34 ý kiến được phát biểu trực tiếp tại hội thảo. Hầu hết các ý kiến là của những nhân chứng sống - những con người một thời kiên cường trước sự kìm kẹp và họng súng của kẻ thù. Những sự kiện trọng đại, những kỉ niệm tranh đấu và cả những tủi hờn, đau thương được khơi dậy. Mỗi đại biểu chỉ có 5 phút nhưng khi đăng đàn ai cũng muốn chia sẻ thật nhiều. Ai cũng muốn khơi lại ngọn lửa nhiệt huyết và thực sự ngọn lửa ấy đã bừng cháy ngay trong chính hội trường Đại học Duy Tân. Mỗi ý kiến là một đường nét, mỗi kỉ niệm là một mảng màu, qua đó bức tranh chân thực và sinh động về một thời hào hùng hiện rõ.

Khẳng định ý nghĩa của hội thảo, Bà Nguyễn Thị Bình nhận định: “Hoan nghênh và cảm ơn Đại học Duy Tân đã tổ chức buổi họp mặt mà chính tôi đã muốn làm từ lâu. Chúng ta đã có một thời oanh liệt, oanh liệt vì chúng ta lúc đó có một lòng yêu nước nồng nàn. Chúng ta phải giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống này và chung tay cùng lớp trẻ đưa đất nước đi lên.”

“Chúng ta cũng cần phải tự hỏi mình, sau thời oanh liệt đó bây giờ chúng ta phải làm gì? Chúng ta đã có những thành tựu đáng kể nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức lớn. Điều gì đang khiến chúng ta giẫm chân tại chỗ, điều gì cản trở cỗ xe dân tộc tiến đến giàu mạnh, dân chủ, văn minh?”  - Bà Nguyễn Thị Bình đăng đàn lần hai và đề xuất tại hội thảo.

“Hôm nay chúng ta đã làm công việc của những nhà làm sử. Chúng ta đang gom nhặt những mảnh vụn của kí ức để lắp ghép thành một bức tranh tổng thể. Đây sẽ là nguồn tư liệu vô cùng quý giá. Nhất định thế hệ sau sẽ tiếp bước và hoàn thiện hơn bức tranh này” - một đại biểu đến từ Tp. Hồ Chí Minh phát biểu.

Hội thảo còn là cuộc gặp mặt thân tình của những người từng tham gia phong trào. Đây là lần gặp mặt quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tuy không đông đủ hoàn toàn song những cánh chim đầu đàn, những cán bộ nòng cốt của phong trào đều có mặt. Tất cả họ bây giờ đều bước vào độ tuổi “Cổ lai hy” song gặp nhau vẫn sôi nổi, vẫn nhiệt huyết, tâm huyết với dân tộc, với thế hệ trẻ và với những vấn đề của Tổ quốc hôm nay. Tại buổi văn nghệ bên lề hội thảo, họ đã làm sống dậy không khí của một thời. Họ đã cùng cất vang tiếng hát “Nối vòng Tay lớn”, họ cùng nhau cất cao lời hiệu triệu “Dậy mà đi”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”… những chàng thanh niên cách đây gần 40 năm bây giờ tóc đã pha màu sương gió, song tiếng hát vẫn cứ hùng hồn, vẫn có lửa như ngày hôm qua.

“Cuộc hội ngộ của chúng ta hôm nay là cuộc hội ngộ của những người sống đẹp. Còn gì đẹp hơn những con người dám hy sinh mạng sống của mình vì Tổ quốc. Chúng ta gặp nhau đây để cùng chia sẻ, cùng nhìn lại quá khứ, tổng kết và rút ra những bài học cho ngày hôm nay. Những ý kiến, những tham luận của các anh chị sẽ được in thành sách với mong muốn nó sẽ trở thành tài liệu tham khảo và góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Ngày mai đây không biết ai còn, ai mất nhưng tôi tin chúng ta hôm nay vẫn sống đẹp và sẽ sống đẹp cho đến giây phút cuối cùng”, Thầy Lê Công Cơ phát biểu tổng kết hội thảo.

(Truyền Thông)