Trước thềm hội thảo “Nhìn lại phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức và văn nghệ sĩ ở các thành thị miền Nam Việt Nam từ năm 1945-1975”, Đại học Duy Tân đã tổ chức cuộc họp báo giới thiệu chương trình vào chiều ngày 17/5/2012. Cuộc họp báo diễn ra tại phòng 702 - K7/25 Quang Trung dưới sự chủ trì của Thầy Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm quyền Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo cùng sự góp mặt của hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương như báo Giáo dục Thời đại, Tuổi trẻ, Thanh niên, Thông tấn xã Việt Nam…
Thầy Lê Công Cơ phát biểu tại buổi Họp báo
Tại cuộc họp báo, nhà giáo Lê Công Cơ đã khái quát những mục đích của hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 19 và sáng 20 tháng 5. Thầy nhấn mạnh, hội thảo trước hết là “cuộc gặp thân tình của những con người một thời sống đẹp” nhằm thăm hỏi và động viên nhau trong cuộc sống hiện tại sau 37 năm thống nhất đất nước. Thứ nữa, đây là dịp nhìn lại những đóng góp của thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức và văn nghệ sĩ đối với phong trào đấu tranh yêu nước ở các thành thị miền Nam Việt Nam những năm 1945-1975, từ đó giáo dục ý thức, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Sâu xa hơn, những người tổ chức hội thảo 19-20/5 kì vọng sẽ làm dấy lên một phong trào sống và học tập, rèn luyện trong tuổi trẻ học đường sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các bậc cha anh đi trước.
Mong đợi đem lại thành công cho chương trình, Trưởng Ban Tổ Chức - Thầy Lê Công Cơ đã tận tình trả lời chất vấn của các báo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho công tác giới thiệu, đưa tin, viết bài về hội thảo.
Giải đáp thắc mắc của đại diện báo Giáo dục Thời đại, Thầy chia sẻ: “Tổ chức một hội thảo về phong trào đấu tranh yêu nước những năm 1945-1975 là nỗi niềm trăn trở của bản thân tôi ngay từ những ngày đầu thành lập trường. Đến hôm nay, điều ấy đã sắp trở thành sự thật. Làm được như vậy là nhờ chúng tôi có được một tinh thần, một sức mạnh Duy Tân bằng sự đồng thuận nhất trí cao từ lãnh đạo, giảng viên, nhân viên đến toàn thể sinh viên trong trường.”
Đại diện Thông tấn xã Việt Nam cũng có những băn khoăn về số lượng đại biểu dự kiến của hội thảo và các hoạt động của trường Đại học Duy Tân tiếp sau chương trình 19-20/5. Theo thầy Lê Công Cơ, tính đến thời điểm họp báo, lượng đại biểu đăng kí tham dự hội thảo đã lên đến gần 120 người. Chủ yếu trong số đó là những chứng nhân lịch sử quan trọng, những nhân vật đã từng vào sinh ra tử trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức và văn nghệ sĩ ở các thành thị miền Nam Việt Nam nói riêng. Thầy Cơ cho biết thêm, sau hội thảo “Nhìn lại phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức và văn nghệ sĩ ở các thành thị miền Nam Việt Nam từ năm 1945-1975”, Đại học Duy Tân còn có nhiều hoạt động lâu dài dựa trên tinh thần “lấy nhân văn làm nền tảng” nhằm giáo dục, đào tạo nên những con người biết trân trọng và phát huy giá trị truyền thống vào sự nghiệp xây dựng quê hương.
Tham gia chương trình giới thiệu hội thảo lần này có rất nhiều nhà báo trẻ chưa từng trải qua nỗi mất mát đầy vinh quang của cuộc chiến tranh hào hùng dữ dội. Tuy nhiên, với sự thấu hiểu và tri ân lịch sử bằng chính những tấm lòng trẻ, tin rằng họ sẽ mang tinh thần và tiếng nói của hội thảo đến với đông đảo quần chúng, sẽ lan tỏa hơn nữa giá trị truyền thống nhân văn từ hội thảo. Bởi lẽ, nói như nhà giáo Lê Công Cơ, “hội thảo lần này là dịp để trả ơn những người đã mất, để hội ngộ những người đang còn và để giáo dục những người sẽ tiếp bước cha anh.”
(Truyền Thông)