(Cadn.com.vn) - Đặng Xuân Nam- SV Trường ĐH Duy Tân vừa vượt qua 114 SV xuất sắc của 15 trường đào tạo kiến trúc trên cả nước để giành giải nhất cuộc thi các đồ án tốt nghiệp SV khối kỹ thuật xây dựng-kiến trúc (Giải thưởng Loa Thành) với Đồ án “Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan tuyến Nguyễn Văn Linh-cầu Rồng”. Đây là cuộc thi do Tổng hội Xây dựng VN, Hội kiến trúc sư VN, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Bộ GD-ĐT, Bộ Xây Dựng phối hợp tổ chức hằng năm.
|
Sinh viên Đặng Xuân Nam
|
Thi đỗ ĐH Duy Tân, Đặng Xuân Nam, quê Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam chọn học ngành kiến trúc như mơ ước hằng ấp ủ từ bé. 5 năm miệt mài, Nam đã tích lũy được vốn kiến thức kha khá từ thầy cô và thực tế. Tháng 1-2010, Nam nhận đề tài làm đồ án tốt nghiệp “Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan tuyến Nguyễn Văn Linh-cầu Rồng”. Được sự giúp đỡ trực tiếp của KTS Hồ Phước Phương, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và sự nỗ lực miệt mài nghiên cứu của bản thân, Đồ án của Nam được thầy cô trong khoa và bạn bè đánh giá cao và được chọn là 1 trong 5 đồ án tốt nghiệp của sinh viên Trường Duy Tân tham dự thi “Giải thưởng Loa Thành”. Kết quả thật bất ngờ và mỹ mãn đối với Nam khi Đồ án tiếp tục được các nhà chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng đánh giá cao. Theo Hội đồng Giải thưởng Loa Thành 2010, Đồ án của SV Đặng Xuân Nam có nội dung phức tạp, song tác giả đã tạo được các đặc trưng, gây ấn tượng với những ý tưởng sáng tạo, được phân tích qua các điểm nhìn, triết lý về quy hoạch không gian đô thị theo hướng cân bằng, hài hòa các chức năng, hình khối kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên.
Nam cho biết, ý tưởng để hình thành đồ án xuất phát từ tình hình thực tế của các TP lớn ở Việt Nam. Đó là các vấn đề về giao thông, cây xanh liên quan đến cảnh quan không gian mở trong đô thị. Từ đó, Nam mong muốn kết hợp các yếu tố này lại để “giải quyết” trên một tuyến đường “kiểu mẫu” và đường Nguyễn Văn Linh hội tụ đầy đủ những yếu tố đó. Đây là ý tưởng tạo một trục cảnh quan đa chức năng, hoàn chỉnh và thống nhất.
Cụ thể là cải tạo tuyến Nguyễn Văn Linh cũ thành một trục cảnh quan phát triển cân bằng, đảm bảo môi trường sống và kiến tạo hợp lý cảnh quan đường phố đồng thời phát triển thành một dải trung tâm thương mại dịch vụ, văn hóa du lịch sầm uất phù hợp với xu thế TP phát triển, đóng vai trò vừa là điểm đầu vừa là điểm cuối trên khu vực hành lang kinh tế Đông Tây, khu vực Đông Nam Á và trên thế giới... Trong Đồ án của mình, Nam cũng mạnh dạn đề xuất các khoảng không gian mở của đô thị như: hình thành các quảng trường lớn để tổ chức các sự kiện ngoài trời, các con phố đi bộ,... nhưng vẫn giữ lại các công trình kiến trúc cổ để thu hút du khách.
Quy hoạch thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan tuyến đường Nguyễn Văn Linh - cầu Rồng của Đặng Xuân Nam.
Theo Nam, du lịch Đà Nẵng phát triển chủ yếu vào mùa nắng, vệt du lịch bờ biển gần như tê liệt vào mùa mưa bão. Vì vậy, bên cạnh sự nối kết không gian Đông-Tây, ý tưởng nối kết “thời gian” được thiết lập, mang lại sự hoạt động liên tục nhờ chuyển hướng lưu trú từ hướng Bắc Nam sang hướng Đông-Tây. Đó chính là ý đồ của việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến Nguyễn Văn Linh nối dài từ bờ Tây sang bờ Đông và ra biển. Cũng theo Nam, TP Đà Nẵng hiện đang trên đà phát triển thành một TP du lịch, thương mại nên nhiều không gian cảnh quan ven sông, ven biển phải được tổ chức lại. Tuy nhiên, hầu hết đều dẫn đến một thực trạng mất cân bằng và phá vỡ nét cảnh quan vốn có. Các cây cầu qua sông Hàn lần lượt ra đời nhưng sau đó lại phải “oằn” mình cho bài toán giảm tải giao thông nên khó giữ đuợc cảnh quan của các tuyến đường. Việc mở rộng tuyến phố sẽ giải quyết bài toán nút giao thông tại hai đầu cầu Rồng và các nút giao thông quan trọng khác. Bên cạnh đó, việc tăng cường các tuyến đường đi bộ theo hướng Đông-Tây sẽ giúp giảm tải giao thông và phân luồng tại tuyến chính...
Khi chúng tôi thắc mắc, việc hình thành tuyến đường Nguyễn Văn Linh-cầu Rồng theo ý tưởng của Nam liệu có phù hợp với thực tiễn và quy hoạch của địa phương hiện nay, Nam mạnh dạn cho rằng, đó chỉ là ý tưởng để làm đồ án tốt nghiệp, “còn quy hoạch thì phải kéo dài 10 năm, 20 năm thậm chí còn lâu hơn nữa. Biết đâu sau này đề tài này sẽ được ứng dụng vào thực tiễn”-Nam bày tỏ hy vọng. Với giải thưởng cao nhất này, Đặng Xuân Nam đã giành được huy hiệu sáng tạo trẻ của Trung ương Đoàn thanh niên, huy hiệu của Ban tổ chức Giải thưởng Loa Thành cùng Bằng khen của Bộ GD-ĐT.
* Trong tổng số 114 đồ án của SV 15 trường đào tạo kiến trúc - xây dựng trong cả nước, Hội đồng Giải thưởng Loa Thành đã chọn và trao giải cho 73 đồ án xuất sắc.
Trong đó, ĐH Duy Tân có 5 đồ án dự thi và đạt 4 giải thưởng gồm: 1 giải nhất thuộc về Đặng Xuân Nam (không có giải đặc biệt); 1 giải nhì thuộc về SV Đoàn Thị Hiên với đồ án “Thiết kế cầu vượt qua ngã tư đại lộ Độc Lập và đường Trường Chinh-TPHCM và 2 giải ba thuộc về các SV Trần Quốc Ca với đề tài “Thiết kế cầu qua suối Đỗ Quyên-Khu du lịch sinh thái Bạch Mã (TT-Huế) và Mai Thị Mỵ Tra với đề tài “Cầu qua sông Kinh Thầy-tỉnh Hải Dương”.
|
(Bài, ảnh : Anh Tuấn)
(Nguồn : http://cadn.com.vn)