Các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đang tổ chức hội thảo nhằm tạo bước chuyển rõ rệt về nhận thức và quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo tương xứng với phát triển quy mô ở bậc học này.
Ngày 24/3, tại trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.
Đại diện các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham dự Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến về đổi mới quản lý giáo dục đại học với 3 chủ đề chính: Làm gì và làm như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; Làm gì và làm như thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học; Các giải pháp quản lý khoa và sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, từ năm 1987 - 2009, số trường đại học, cao đẳng ở nước ta đã tăng 3,7 lần; số sinh viên tăng 13 lần; số giảng viên, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tăng 3 lần...
Tuy nhiên, giáo dục đại học và chất lượng đại học hiện chưa theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mặc dù hơn 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học và cao đẳng có việc làm nhưng năng lực của sinh viên mới ra trường còn rất hạn chế so với yêu cầu công việc.
Nguyên nhân trực tiếp, theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, do chất lượng các yếu tố đầu vào của giáo dục đại học còn thấp. Từ năm 1987 - 2009, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ sau 23 năm vẫn không thay đổi.
Chi phí đào tạo đối với 1 sinh viên ở Việt Nam dao động từ 6-10 triệu đồng/năm, trong khi đó ở các nước tiên tiến, con số này là từ 10.000-15.000 USD/sinh viên/năm.
Một nguyên nhân khác là phương pháp quản lý chất lượng còn bất cập và lạc hậu. Từ năm 1975, ở Việt Nam chưa công bố chuẩn đầu ra đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng, chưa có cơ chế giám sát chất lượng đào tạo của các nhà trường, chưa có chế tài xử lý các trường có chất lượng yếu kém.
Do vậy, đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá để phát triển toàn diện giáo dục đại học trong thời gian tới.
TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho rằng, để đổi mới quản lý giáo dục đại học, cần thành lập các Ban thực hiện nhiệm vụ đổi mới quản lý và ban hành các quy định về đổi mới quản lý; tổ chức bộ máy quản lý thật tốt; xây dựng các chính sách phúc lợi và đãi ngộ hợp lý; phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cũng như các chương trình học liệu.
Trước đó, sáng 20/3, trường Đại học Giao thông Vận tải đã tổ chức Hội thảo trong toàn thể cán bộ chủ chốt và sinh viên với chủ đề "Làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu xã hội."
Đây là trường đại học đầu tiên trong cả nước hưởng ứng triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Bộ Giáo dục Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.
Tiếp theo trường Đại học Giao thông Vận tải, đến 30/4, tất cả 375 trường đại học, cao đẳng trong cả nước đồng loạt tổ chức hội thảo với chủ đề nói trên nhằm tạo bước chuyển rõ rệt về nhận thức và quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo tương xứng với phát triển quy mô ở bậc học này.
Theo chinhphu.vn