Tin tức Tuyển sinh


Vẫn phải chọn “3 chung”

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường  ĐH Dân lập Hải Phòng, nhấn mạnh năm 2014, trường này sẽ không tổ chức thi riêng. “Chúng tôi sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, học lực 3 năm THPT và đạo đức của học sinh. Nếu học sinh vào trường với động cơ tốt thì sẽ có được đầu ra tốt” - GS Nghị nhấn mạnh.

 
Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tư vấn cho thí sinh dự thi ĐH-CĐ năm 2013 Ảnh Tấn Thạnh

Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tư vấn cho thí sinh dự thi ĐH-CĐ năm 2013 Ảnh Tấn Thạnh

 
 

Trình độ phổ thông là sàn kiến thức

 

Vị lãnh đạo này cũng nói thêm trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đồng ý cho các trường dùng kết quả “3 chung” để xét tuyển mà không ràng buộc về điểm sàn thì trường sẽ xét tuyển theo một kênh nữa. “Mỗi trường có một mục đích đào tạo, lớn như các trường ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương… đào tạo thí sinh có trình độ cao. Những trường vừa phải như chúng tôi đào tạo chủ yếu là kỹ sư thực hành nên không cần những thí sinh trình độ thật cao. Tôi nghĩ trình độ phổ thông là sàn kiến thức để các em có thể học được ĐH” - GS Nghị phân tích thêm.

 

Chung quan điểm này, PGS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), cho rằng cần phải xem xét năng lực của học sinh trên cả một quá trình và việc xét tuyển vào ĐH dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và 3 năm THPT là hợp lý.

 

GS Trần Hữu Nghị cho rằng Bộ GD-ĐT nên kiểm tra đầu ra ĐH chứ không phải chỉ chú ý đến đầu vào như hiện nay. Nếu 100% sinh viên thi đỗ ĐH đều được tốt nghiệp thì rõ ràng là không khuyến khích, không tạo điều kiện cho sinh viên học tập.

 

Xét tuyển khó khả thi

 

Trước kiến nghị “5 bỏ” (bỏ điểm sàn, bỏ thi theo khối, bỏ quy định các trường không được phép sử dụng kết quả thi của trường khác làm căn cứ xét tuyển, bỏ việc bắt các trường phải nộp đề án tuyển sinh và từ năm 2015 bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ) của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, một quan chức Bộ GD-ĐT cho hay cần phải  giữ điểm sàn để bảo đảm chất lượng đào tạo. Điều này đồng nghĩa với việc phương án xét tuyển thay vì thi riêng của các trường rất khó xảy ra.

 

GS Trần Hữu Nghị nói Luật Giáo dục ĐH nêu rõ các trường được tự chủ tuyển sinh, được tự chủ có nghĩa là được làm những gì pháp luật không cấm. “Nếu Bộ GD-ĐT không đồng ý thì chúng tôi đành phải quay về “3 chung” vì trường nào cũng cần có sinh viên, vẫn cần phải tuyển sinh” - GS Nghị nói.

 

Thực tế hơn, PGS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phương Đông (Hà Nội), cho biết năm 2014, trường không tuyển sinh riêng mà theo phương án “3 chung”. “Trong lúc hệ thống điểm thi tốt nghiệp và kết quả 3 năm THPT chưa phải là chuẩn thì chúng tôi dùng kết quả đáng tin nhất, đó là “3 chung” - PGS Dụ nói và cho biết xét tuyển ngay trong năm 2014 là không khả thi vì chưa chuẩn bị kịp. Việc xét tuyển có thể bắt đầu từ năm 2015 chứ không nhất thiết phải chờ 3 năm sau. Vị hiệu trưởng này cũng đưa ra phương án về lâu dài, Bộ GD-ĐT nên có cơ quan kiểm định độc lập cung cấp cho xã hội một dịch vụ công ích kiểu như thi TOEFL để có một kết quả chung, các trường sẽ dễ dàng xét tuyển.

 

Tự chủ chưa đầy đủ

 

Thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho rằng Bộ GD-ĐT nói thực hiện quyền tự chủ ĐH rồi để các trường tự chủ trong tuyển sinh nhưng lại kiểm soát bằng cách duyệt đề án tuyển sinh riêng là chưa thực sự trao quyền tự chủ hoàn toàn. Khi tuyển sinh riêng, các trường phải công khai đề án, phải được tự chủ hoàn toàn, tự chịu trách nhiệm. Có điều, cần đưa ra một chuẩn chung tối thiểu để vào ĐH, ví dụ chuẩn tốt nghiệp THPT.

 

“Bộ GD-ĐT nên coi việc ra đề và tổ chức thi như hiện nay là dịch vụ, không nên thi theo khối và tránh trùng lặp về thời gian tổ chức các môn thi. Các trường hoàn toàn tin tưởng kết quả này và dùng nó làm căn cứ để xét tuyển ĐH” - ông Đạt đề xuất. H.Lân.

 

Yến Anh

Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/van-phai-chon-3-chung-20140113222443205.htm

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.