Thí sinh sau một buổi thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NLĐO
Hai phương án trong dự thảo đề án thi tốt nghiệp THPT 2014 được bộ GD-ĐT đưa ra thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là trong đội ngũ nhà giáo. Những ý kiến lạc quan thì ủng hộ phương án một thi tốt nghiệp 4 môn (trong đó có hai môn bắt buộc là văn, toán cùng với hai môn do thí sinh tự chọn) cộng với kết quả học năm lớp 12. Một số ý kiến khác cho rằng nên đưa ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc cùng với hai môn tự chọn, như phương án hai. Lập luận của những người ủng hộ cho rằng giáo dục toàn diện không đồng nghĩa với việc yêu cầu học sinh phải giỏi đều, cái gì cũng biết...
Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại, thậm chí không ủng hộ phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT. PGS-TS Thái Bá Cần, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết ông không đồng ý với việc cắt giảm môn thi tốt nghiệp để giảm tải cho học sinh. Theo ông, việc làm cho người học nhẹ đi không phải là cứu cánh cho sự phát triển của giáo dục, cái quan trọng là làm sao để người học đưa hết trí lực ra để học và cảm thấy vui.
Ông Nguyễn Bác Dụng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại nghĩa - TPHCM cũng là người không ủng hộ dự thảo đề án thi tốt nghiệp 2014. Ông Dụng cho rằng thi tốt nghiệp THPT 6 môn như hiện nay học sinh còn học lệch huống chi là thi 4 môn trong đó học sinh được chọn 2 môn. "Việc cho học sinh chọn môn thi sẽ dẫn đến tình trạng nhiều môn học trò không học, thầy chán và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng", ông Dụng nói.
Đề án đổi mới thi tốt nghiệp 2014 không dừng lại ở việc thi 4 môn hay 5 môn mà còn ở việc cộng điểm học tập năm lớp 12 để xét tốt nghiệp. Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng khâu kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ở bậc THPT chưa thật sự nghiêm túc. Vì vậy, việc cộng điểm kết quả lớp 12 vào điểm thi 4 hoặc 5 môn là không công bằng với nhiều học sinh.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng có nhiều cách để đổi mới thi tốt nghiệp nhưng 2 phương án mà bộ đưa ra là không khả thi khi mà những tiêu cực trong thi cử, đánh giá đã vượt tầm kiểm soát của Bộ GD-ĐT. Và nếu như bộ quyết thực hiện 1 trong 2 phương án thì kết quả tốt nghiệp hiện vẫn không đảm bảo độ tin cậy để dùng kết quả đó xét vào ĐH, CĐ nhưng mong muốn lâu nay.
Huy Lân