Quy chế đào tạo ĐH ngày càng cởi mở để sinh viên (SV) được học cùng lúc hai ngành. Theo Quy chế đào tạo ĐH, CĐ chính quy ban hành năm 2006, SV phải hoàn thành năm đầu tiên của chương trình thứ nhất với học lực từ khá trở lên mới được đăng ký tham gia học ngành thứ hai. Nhưng nay theo Quy chế đào tạo ĐH theo tín chỉ ban hành từ năm 2008, SV có thể đăng ký học ngành thứ hai ngay sau khi kết thúc học kỳ đầu tiên ở ngành thứ nhất nếu học lực không thuộc loại yếu.
Không dừng lại trong phạm vi một trường như quy chế trên, ĐH Quốc gia Hà Nội nhiều năm nay còn cho phép SV học thêm ngành thứ hai tại một trường thành viên khác thuộc hệ thống. Cụ thể, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có thể học thêm ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung của Trường ĐH Ngoại ngữ. SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên các ngành khí tượng học, thủy văn, hải dương học được đăng ký học ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ. SV Trường ĐH Kinh tế được học thêm ngành tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ, ngành luật kinh doanh của Khoa Luật…
Cần có mục tiêu và năng lực
Với nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhìn nhận: “Học hai ngành là cơ hội tốt để SV có thể lấy hai bằng ĐH trong thời gian ngắn nhất, giảm bớt áp lực thông qua việc chuyển điểm những học phần trùng lặp. Tùy theo ngành học, số học phần được chuyển điểm có thể lên tới 25% trong toàn chương trình học”. Tuy nhiên, thạc sĩ Tuấn lưu ý: “Khi có ý định muốn học cùng lúc hai chương trình, SV cần xác định ngay từ đầu mục đích của việc học này để từ đó có quyết định chính xác học ngành nào và có quyết tâm thực hiện. Khi không có mục tiêu rõ ràng, việc học cùng lúc hai ngành chưa chắc đã tốt”. Ví dụ về việc chọn ngành, thạc sĩ Tuấn hướng dẫn SV có thể chọn ngành học chính lấy kiến thức chuyên ngành, bên cạnh đó là một ngành về ngoại ngữ hoặc công nghệ thông tin. Sự lựa chọn này sẽ bổ trợ tốt để SV có thể tìm được việc làm tốt khi ra trường.
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng khuyên: “Thực tế có những SV phải bỏ cuộc giữa chừng khi không theo nổi cùng lúc hai chương trình. Do vậy, để có thể học cùng lúc hai chương trình, cần phải có đủ sức khỏe và năng lực học tập”.
Trong khi đó, riêng với các ngành kỹ thuật, thạc sĩ Võ Xuân Lý, Phó giám đốc Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2, chia sẻ: “Nhiều năm nay hầu như không có SV nào của trường đăng ký học cùng lúc hai chương trình, có lẽ vì kiến thức khối ngành kỹ thuật rất nặng. Nếu học thêm ngành thứ hai, SV chỉ được chuyển điểm những môn cơ bản, và hầu như phải học mới toàn bộ các học phần cơ sở ngành và chuyên ngành. Các ngành kỹ thuật này, để có thể học tốt cả hai chương trình, phải có học lực giỏi”. Thạc sĩ Lý tâm tư: “Học hai ngành rõ ràng tốt hơn học một ngành, nhưng nếu xác định rõ hướng đi từ đầu chỉ tập trung học tốt một ngành chính rồi tiếp tục học nâng cao cũng là hướng đi tốt”.
Từ kinh nghiệm hoàn tất cùng lúc hai bằng ĐH và một phần của chương trình thạc sĩ chỉ trong 4 năm, Huỳnh Chí Như Quyên, cựu SV Trường Massachusetts Institute of Technology (Mỹ), cho biết bí quyết quan trọng nhất chính là sắp xếp một kế hoạch học tập bài bản và khoa học.
Hà Ánh