Thí sinh tìm hiểu thông tin về trường trước kỳ tuyển sinh. Ảnh: gdtd.vn |
Cụ thể, tổng số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ kỳ tuyển sinh 2013 theo tính toán của Bộ GD&ĐT lên tới 238.768; trong khi đó, số thí sinh dôi dư này năm ngoái chỉ có 141.000 thí sinh.
Lượng dôi dư khá lớn năm nay sẽ là nguồn tuyển dồi dào cho các trường. Tuy nhiên, đối với thí sinh, nó sẽ khiến cho cuộc đua nguyện vọng 2 trở lên khốc liệt hơn, đặc biệt là ở những trường top trên.
Nhìn vào mức điểm chuẩn của các trường đã công bố đến thời điểm này, có thể thấy sự phân hóa rõ nét. Mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường top đầu, trường khối công an, quân đội đối với các trường top dưới rất lớn.
Tại các trường khối Y Dược, trường khối công an, một số ngành lấy mức điểm từ 27 - 28 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc có một số lượng thí sinh dưới mức điểm này (cũng là tổng điểm rất cao) trượt ĐH nguyện vọng 1.
Như vậy, trong tổng số trên 238 nghìn thí sinh dôi dư nói trên sẽ có không ít thí sinh điểm cao, thậm chí rất cao không trúng tuyển vào các trường ĐH top đầu đang chờ cơ hội ở nguyện vọng 2.
Trong khi đó, số lượng các trường top trên dành cơ hội cho nguyện vọng 2 không nhiều. Và vì để dành nguyện vọng 2 để tìm kiếm thí sinh chất lượng hơn nên mức điểm để các trường này xét tuyển cũng không hề thấp.
Đơn cử như các trường thành viên của ĐHQGHN: Trường ĐH KHXH&NV chỉ dành 21 chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho ngành Chính trị học; 7 nguyện vọng 2 ngành Hán Nôm; 34 chỉ tiêu ngành Nhân học; 38 chỉ tiêu Thông tin học ; 48 chỉ tiêu Triết học với yêu cầu điểm xét tuyển là 18 điểm.
Trường ĐH Giáo dục chỉ tuyển 15 chỉ tiêu bổ sung cho ngành sư phạm Lịch sử (lấy điểm 18). Trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) tuyển 50 nguyện vọng 2 ngành Kinh tế; 41 chỉ tiêu ngành Tài chính ngân hàng; 29 chỉ tiêu ngành Kinh tế phát triển, nhưng mức điểm nhận hồ sơ là 21 đến 21,5 tùy khối thi.
Học viện Ngân hàng Hà Nội chỉ xét tuyển bổ sung 30 chỉ tiêu vào ngành Ngôn ngữ Anh dành cho thí sinh dự thi khối D1, mức điểm xét tuyển từ 23 điểm trở lên...
Với chỉ tiêu có hạn như vậy, chắc chắn, mức điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 của những trường như trên sẽ cao hơn điểm xét tuyển khá nhiều.
Từ phân tích trên, các thí sinh đang chờ đợi cơ hội vào ĐH với nguyện vọng 2 chú ý trong việc lựa chọn trường để tăng cơ hội trúng tuyển.
Đặc biệt, những em có tổng ở mức 17 - 20 điểm chưa trúng tuyển sẽ có sự băn khoăn lựa chọn: Nếu chọn trường điểm thấp quá sẽ cảm thấy tiếc, nhưng chọn trường điểm cao lại lo sợ về cơ hội trúng tuyển.
Kinh nghiệm cho thấy, nếu đăng ký nguyện vọng 2 vào trường top trên, nếu điểm thi của thí sinh nên cao hơn điểm xét tuyển, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, các trường top dưới, trường ngoài công lập, hầu như điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 chỉ bằng với điểm xét tuyển.
Thí sinh lưu ý, nguyên tắc xét tuyển nguyện vọng 2 là lấy từ điểm cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu, không liên quan đến thời gian nộp hồ sơ sớm hay muộn. Chính vì vậy, việc tìm hiểu kỹ thông tin về trường, lượng hồ sơ nguyện vọng 2 thí sinh nộp cho trường (được công khai), chỉ tiêu, hạn cuối nộp hồ sơ, điểm trúng tuyển nguyện 2 hàng năm của trường, ... là rất cần thiết để thí sinh có lựa chọn đúng đắn. Đã có không ít thí sinh điểm khá cao nhưng trượt cơ hội 2 vào ĐH một cách đáng tiếc vì lựa chọn vội vàng.
Hiện nay, trên trang tuyển sinh của nhiều trường ĐH, CĐ có phần hỏi đáp trực tuyến về tuyển sinh. Thí sinh có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho trường mình quan tâm để có thêm thông tin trước khi đăng ký xét tuyển.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay, thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, có điểm trên sàn sẽ được cấp 3 giấy nhận điểm thi gốc. Điểm mới là, thí sinh sẽ không được dùng giấy chứng nhận kết quả thi phô tô để xét tuyển như năm trước. Nhiều trường cũng công bố không trả lại hồ sơ xét tuyển. Do đó, với 3 cơ hội nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh càng phải cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định.