Dự kiến điểm sàn năm nay sẽ tăng. Trong ảnh: Thí sinh dự thi môn vẽ tại Hội đồng thi Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Ảnh: QUỐC DŨNG
Năm nay, các trường có uy tín đều lấy điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn năm ngoái 2-3 điểm. Với những trường lấy điểm trúng tuyển theo ngành thì số lượng TS rớt dù điểm thi cao khá nhiều. Thống kê phổ điểm của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) có hơn 5.000 TS trúng tuyển đạt điểm từ 16 đến 23 theo mức điểm của từng ngành. Tuy nhiên, tính từ điểm sàn năm ngoái thì trường còn hơn 6.900 TS không trúng tuyển, trong đó mức từ 16 đến 22,5 điểm còn đến 4.800. Đây là mức điểm rất cao, bởi số không trúng tuyển có mức điểm tương đương với số đã trúng tuyển.
Tổng hợp điểm thi từ các trường đã công bố điểm cho thấy số TS đạt trên 13 điểm nhiều hơn hẳn so với năm trước. Điểm thi năm nay số thủ khoa 30 điểm không nhiều như mọi năm nhưng phổ điểm trung bình từ 15 điểm trở lên cao hơn năm ngoái, thêm vào đó là điểm 0, điểm 1 ít đi. Do vậy nguồn tuyển và xét tuyển các trường tốp dưới chắc chắn dồi dào hơn rất nhiều.
Chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM còn hơn 3.200 TS đạt từ sàn đến 20 điểm, trong đó điểm từ 15 có đến 2.600 TS chưa trúng tuyển. Trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM còn hơn 4.800 TS không trúng tuyển có mức điểm 15-20. Sau khi trừ 3.700 TS đã trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với mức từ 16 đến 26,5 điểm thì còn 10.700 TS đạt từ sàn trở lên không trúng tuyển.
Điểm sàn nên tăng một điểm?
Với mức trúng tuyển cao, các trường có uy tín đều lấy điểm trúng tuyển cao hơn nhiều so với điểm sàn năm ngoái. Như vậy, mức điểm còn lại là nguồn tuyển lớn cho các trường tốp dưới và trường ngoài công lập. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, nói: “Theo tôi, điểm thi cao nhưng điểm sàn chắc cũng như năm rồi. Vì điểm cao chỉ phù hợp trường tốp trên, còn trường tốp dưới vẫn vậy. Bộ nên có mức điểm sàn phù hợp cho trường tốp dưới. Không cấp chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách cho những trường có điểm cao nữa”.
ThS Hoàng Xuân Quảng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết: “Thật ra, điểm sàn hiện nay là mức trung bình để trường tốp dưới và ngoài công lập tuyển được TS. Do đó, khi tính điểm sàn, Bộ nên nghiên cứu kỹ các vùng khó khăn để xác định cho đúng, đừng để các trường tốp dưới, trường ngoài công lập khó tuyển như năm ngoái để rồi đặt nhiều chính sách đặc thù thì coi có vẻ tình thế quá, không giải quyết được vấn đề căn bản”.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, dự đoán: “Về logic thì điểm thi cao, điểm sàn phải tăng. Hiện nay có quan điểm là điểm sàn nên giữ như năm trước để các trường tốp dưới tuyển được. Theo tôi, nên tăng điểm sàn tối thiểu 1 điểm ở tất cả khối. Hiện nay, nếu nói tất cả trường ngoài công lập đều gặp khó khăn thì chưa hoàn toàn đúng. Ngày càng nhiều trường ngoài công lập đã khẳng định được uy tín, vị thế và thương hiệu để gia tăng niềm tin của TS. Tự thân các trường còn lại phải suy nghĩ tại sao cũng là trường ngoài công lập nhưng TS chọn trường này mà không chọn trường khác”.
Tiêu chí xác định điểm sàn
Theo Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ, điểm sàn được xây dựng trên tổng thể rất nhiều tiêu chí. Điểm sàn năm 2013 trước hết sẽ được căn cứ trên dự báo nguồn nhân lực của toàn quốc, khả năng dịch chuyển nhân lực theo vùng miền. Năm nay, thay vì dựa vào tổng chỉ tiêu, sẽ dựa vào năng lực TS có thể học được hệ ĐH, CĐ. Bằng cách này, sẽ dựa vào phổ điểm kết quả thi của TS và độc lập với tổng chỉ tiêu.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường dành 15%-20% chỉ tiêu để xét tuyển bổ sung. Các trường tốp giữa không nên xây dựng điểm trúng tuyển cận sàn để xét tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ nguyện vọng đầu, vì như vậy sẽ bỏ lỡ cơ hội tuyển những TS có kết quả thi cao trượt nguyện vọng ở trường khác. |
QUỐC DŨNG