Điểm sàn phụ thuộc vào chất lượng đề thi từng năm ?
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết những năm qua, điểm sàn kỳ thi ĐH, CĐ được tính toán dựa trên nhiều yếu tố, trong đó tính toán trên hệ số dịch chuyển của thí sinh…, nhưng giữa thực tế và lý thuyết khác nhau. Tiêu chí xác định điểm sàn làm rất kỹ nhưng cảm thấy chưa chắc chắn. Ví dụ: Khối B đã để số thí sinh đủ điểm sàn gấp trên 10 lần chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ. Như vậy, việc đưa ra điểm sàn dựa trên các yếu tố như những năm qua là chưa chính xác.
Mở rộng đối tượng ưu tiên
Năm nay, Bộ bổ sung một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh hệ chính quy năm 2013. Cụ thể: Cho phép tuyển thẳng vào các trường những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp THPT. Đồng thời, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 6 tháng. Bộ cũng cho biết các trường đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm và phải học dự bị 6 tháng.
Bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông
Năm 2013, Bộ đã bổ sung đối tượng dự thi là những người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ hoặc ĐH. Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh chính quy.
Đồng thời, Bộ cũng quy định: Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy của trường và chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu này; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng 2 theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.
Không thi tuyển đối với bậc trung cấp
Đối với tuyển sinh TCCN năm 2013, vẫn theo hình thức xét tuyển. Riêng đối với các ngành năng khiếu, môn văn hóa được thực hiện theo hình thức xét tuyển, môn năng khiếu do hiệu trưởng nhà trường quyết định thi tuyển hoặc xét tuyển. Thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào TCCN sẽ nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh về trường đăng ký dự tuyển. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu và tình hình cụ thể của việc thu nhận hồ sơ và công tác tuyển sinh TCCN tại địa phương, các sở GD-ĐT có thể tổ chức thu nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển vào TCCN của thí sinh trên địa bàn tỉnh (thành phố) và chủ động bàn giao cho các trường theo kế hoạch và yêu cầu thu nhận hồ sơ của từng trường.
Năm học này, Bộ tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc TCCN trong các trường ĐH theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt đào tạo TCCN trong các trường ĐH trước năm 2017.
Chấm thanh tra bài thi
Ở cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, công tác chấm thi sẽ có nhiều giải pháp mạnh nhằm khắc phục hạn chế ở kỳ thi vừa qua.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ sung quy định về việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi các môn tự luận; đồng thời Bộ tổ chức Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận.
Với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, bổ sung ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường. Ban chấm thanh tra có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn tự luận. Bộ sẽ bổ sung chế tài xử lý cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những cá nhân, đơn vị liên quan nếu có sai sót, không đúng quy định trong công tác chấm thi. Năm nay, Bộ cũng sẽ thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận, công bố công khai kết quả chấm thẩm định. Kết quả chấm thẩm định là kết quả cuối cùng bài thi của thí sinh.
Thay đổi cách ra đề thi tốt nghiệp Về đề thi tốt nghiệp THPT 2013, Bộ cho hay sẽ tiếp tục đổi mới công tác ra đề thi, theo hướng ứng dụng các thành tựu của khoa học đánh giá, ma trận đề thi. Công tác biên soạn đề thi tốt nghiệp THPT sẽ theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng suy luận của thí sinh, phù hợp với nội dung chương trình và thời gian quy định cho từng môn thi, có khả năng phân loại được học sinh. Đề ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống và yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp trong quá trình làm bài. Ngoài ra, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 cũng có thêm nhiều quy định mới. Cụ thể, tiếp tục thực hiện việc phân cấp, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các địa phương trong việc tổ chức thi. Cho phép học sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình, chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác, để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi. |
Vũ Thơ - Tuệ Nguyễn
(thanhnien.com.vn)