Một số đổi mới về phương thức, thời gian xét tuyển được áp dụng lần đầu cho mùa tuyển sinh 2012 nhưng không đem lại hiệu quả có khả năng sẽ được điều chỉnh ở mùa tuyển sinh 2013. Đó là thông tin từ Bộ GD-ĐT đưa ra ngày 9-1.
Năm 2013, 10 trường ĐH, CĐ thuộc khối văn hóa - nghệ thuật sẽ được phép tuyển sinh riêng là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trường CĐ Múa Việt Nam, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Đề án tuyển sinh riêng đã được bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định phê duyệt ngày 9-1.
Thí sinh thi Đại học - Cao đẳng năm 2012
Khối nghệ thuật: không còn phải thi văn
Thay cho việc thi môn ngữ văn theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh thi vào ngành văn hóa - nghệ thuật của 10 trường sẽ chỉ còn phải thi các môn năng khiếu. Trường có tuyển sinh khối C sẽ được sử dụng kết quả thi ba chung để xét tuyển thí sinh.
Tại buổi công bố sự kiện này với báo chí, ông Ngô Kim Khôi - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - cho biết các ngành tuyển sinh khối H, N, S của 10 trường sẽ xét tuyển môn ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết ba năm học THPT.
Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng thông báo điều kiện xét tuyển thẳng ĐH đối với học sinh đã tốt nghiệp THPT, trung học chuyên nghiệp, đoạt từ giải ba đến giải nhất, giải xuất sắc tại các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật... cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương. Với những điều kiện tương tự, học sinh đoạt giải khuyến khích tại các hội thi, hội diễn... quốc gia, quốc tế sẽ được tuyển thẳng vào trường CĐ.
Ông Đào Mạnh Hùng - vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa- thể thao và du lịch - cho biết áp dụng tuyển sinh riêng sẽ giúp các trường khối nghệ thuật có nguồn tuyển dồi dào hơn vì các em hoàn toàn có thể vừa thi trường nghệ thuật, vừa thi các trường ĐH khác mà không lo bị trùng lịch do “ba chung”. Trong nhiều năm qua, do phải áp “ba chung” nên các trường nghệ thuật nhiều khi phải sơ tuyển vội vàng, không bảo đảm chất lượng đầu vào, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng đào tạo chung.
Tuy nhiên, trong đề án thi riêng vừa được Bộ GD-ĐT phê duyệt, nhiều người lo ngại việc quy định chung chung xét tuyển từ kết quả học tập môn văn THPT mà không giới hạn mức học lực “sàn” sẽ có thể khiến nhiều trường tự ý xét tuyển điểm văn rất thấp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hùng cho rằng đây là điều mà Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch dự định sẽ bàn thảo kỹ trong buổi họp sắp tới với các trường được tuyển sinh riêng. “Kinh nghiệm cho thấy hiếm người làm nghệ thuật giỏi mà lại dốt môn văn. Do đó, dù đặt trọng tâm môn năng khiếu nhưng trình độ môn văn cũng không thể thấp quá. Ý kiến cá nhân tôi, các trường không thể tự chủ theo cách xét tuyển cả thí sinh đạt điểm liệt môn văn vào trường nghệ thuật được” - ông Hùng nói.
Ngành khó tuyển có thể được hạ điểm sàn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thông tin quyết định hạ điểm sàn đối với thí sinh thi vào các trường khu vực Tây Nam bộ, Tây nguyên, Tây Bắc được áp dụng năm 2012 đã giúp các trường ở khu vực này trung bình tuyển thêm 5% thí sinh.
Tại hội nghị tuyển sinh sắp tới, bộ sẽ đề nghị các trường bàn thảo về những vướng mắc khi thực hiện quy định, đặc biệt là việc triển khai bổ sung kiến thức một học kỳ. “Việc áp dụng phương án hạ điểm sàn có kết quả nhất định đối với các vùng kinh tế khó khăn và cũng khó tuyển sinh. Bộ GD-ĐT đang xem xét và sẽ đưa ra bàn thảo với hiệu trưởng các trường ĐH xem có nên áp dụng việc hạ điểm sàn từ năm 2013 với những ngành khó tuyển như ngành nông, lâm, ngư... hay không” - ông Ga nói.
Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT cũng đã có thống kê tương đối đầy đủ về tình hình thực hiện xét tuyển thẳng học sinh 62 huyện nghèo theo quy định của Chính phủ và 20 huyện biên giới, hải đảo được Bộ GD-ĐT bổ sung năm 2012. Tuy nhiên, do đa số các trường đưa ra tiêu chí quá cao nên việc xét tuyển thẳng cho đối tượng này rất hạn chế.
Theo ông Ga, ĐH vùng lớn như ĐH Đà Nẵng cũng chỉ xét tuyển thẳng được 50-60 sinh viên, trường xét tuyển nhiều nhất là ĐH Vinh được hơn 400 sinh viên, còn lại các trường chỉ tuyển được rải rác vài trường hợp. “Có hai lý do khiến số tuyển thẳng không được như kỳ vọng.
Thứ nhất, nhiều thí sinh không muốn học tại địa phương và chủ yếu chọn ngành kinh tế, tài chính mà không học nông, lâm... Thứ hai, nhiều trường đưa ra rào cản, điều kiện quá cao khiến các em học sinh huyện nghèo không với tới được. Nếu quy định này chưa cụ thể, khiến nhiều trường tìm cách tránh xét tuyển thẳng học sinh huyện nghèo, bộ sẽ điều chỉnh cho phù hợp” - ông Ga nói.
Ông Ga cũng cho biết một số trường cho rằng việc kéo dài thời gian xét tuyển, lại cho phép các trường tự xác định phương án xét tuyển đã khiến nhiều trường công lập lấy điểm xét tuyển đợt sau thấp hơn đợt trước, không bảo đảm chất lượng, đồng thời lấy hết thí sinh, đẩy nhiều trường vào cảnh khó tuyển. Bộ cùng các trường sẽ bàn đến việc có thể rút ngắn thời gian xét tuyển và yêu cầu điểm xét tuyển đợt sau không thể thấp hơn đợt trước để bảo đảm chất lượng.
Theo kenhtuyensinh.vn