edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT
Không “tự xử”, trường khó sống
Mùa tuyển sinh năm 2012 kết thúc bằng sự thất bại về chỉ tiêu tuyển sinh của rất nhiều trường ĐH, CĐ, trong đó có các trường ĐH vùng, ĐH dân lập. Không đủ chỉ tiêu, nhiều trường đã phải đóng cửa các ngành học vô thời hạn, một số trường khác liều mạng tuyển quá chỉ tiêu nhằm bù lượng thí sinh rút hồ sơ giữa chừng. Hệ quả là các trường này đã nhận được “án” kỷ luật của Bộ GDĐT. Để không rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, năm nay nhiều trường đã tự hạ chỉ tiêu.
|
Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc bàn giao hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm 2012 cho các trường.
|
Cụ thể, Trường ĐH Đồng Tháp dự kiến tuyển khoảng 3.600 chỉ tiêu, trong đó bậc ĐH tuyển 2.500 chỉ tiêu, so với năm 2012 đã giảm 300 chỉ tiêu. Năm 2012, trường này phải tạm dừng tuyển sinh 3 ngành do có số thí sinh trúng tuyển quá ít, là: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp hệ ĐH và ngành công nghệ thiết bị trường học hệ CĐ. Ông Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng trường này cho biết: “Bên cạnh giảm tổng chỉ tiêu, trường cũng sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu các ngành kinh tế, sư phạm. Đây là khối ngành nhiều năm nay rất chật vật vì tuyển sinh không đủ”.
Trường ĐH Yersin (Đà Lạt) dự kiến giảm 200 chỉ tiêu so với năm 2012. Ông Phạm Bá Phong – Hiệu trưởng trường này cho biết: “Năm nay trường chỉ đề xuất 700 chỉ tiêu cho cả bậc ĐH và CĐ, thay vì 900 như năm trước. Thực tế, mấy năm gần đây trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu nên phải chủ động cắt giảm chỉ tiêu để tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo”.
Giảm mạnh chỉ tiêu ngành “báo động đỏ”
Kinh tế, tài chính, ngân hàng… là những ngành “báo động đỏ” về dư thừa nhân lực nên được các trường cắt giảm đầu tiên. Theo đó, Trường ĐH Sài Gòn vừa công bố giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế hệ ĐH và dừng tuyển sinh khối kinh tế hệ CĐ trong mùa tuyển sinh 2013. Cụ thể, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 3.900, giảm 1.400 so với năm 2012.
Ngay cả ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tính giảm chỉ tiêu. Theo ông Mai Trọng Thuận – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: “Đối với ĐH Kinh tế năm nay sẽ giảm mạnh, đặc biệt là hệ tại chức”.
ĐH Tây Nguyên năm nay cũng cơ cấu lại chỉ tiêu các ngành trong nội bộ trường. Cụ thể, chỉ tiêu của các ngành được cảnh báo dư thừa nhân lực và khó tuyển sinh sẽ chuyển sang cho các khối ngành đào tạo theo nhu cầu như: Kỹ thuật, nông lâm. Ông Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng trường cho biết: “Diện tích sàn, số lượng giảng viên/sinh viên không thể ngay lập tức bổ sung được. Các trường chỉ còn cách tự hạ chỉ tiêu và cơ cấu lại ngành nghề đào tạo theo hướng điều chỉnh của Bộ GDĐT để tự cứu lấy mình”.
Nhận định về xu hướng này, PGS-TS Trần Xuân
Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho
rằng: “Việc Bộ GDĐT giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu không có nhiều ý
nghĩa. Bộ giao, hay trường xác định không quan trọng, quan trọng là đảm bảo làm sao số chỉ
tiêu đó có thể tuyển đủ. Trong khi Bộ không có động thái nào thì các trường phải
tự cắt giảm chỉ tiêu là điều tất yếu”.
Tăng tuyển sinh viên ngành nông - lâm - ngư
Trong khi chỉ tiêu chung được cắt giảm thì nhiều trường vẫn ưu tiên tăng chỉ tiêu khối ngành nông - lâm -ngư... theo xu hướng dịch chuyển cơ cấu ngành nghề của Bộ GDĐT và nhu cầu nhân lực trong tương lai.
Cụ thể, năm 2013, Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 5.300, trong đó chỉ tiêu tăng nhẹ ở một số ngành đào tạo theo khuyến cáo của Bộ GDĐT. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay, trường sẽ ưu tiên tuyển sinh cho khối ngành thủy sản, chăn nuôi- thú y nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và xu hướng dịch chuyển ngành nghề chung”.
Tương tự, một số ngành khối nông nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ cũng dự kiến tăng chỉ tiêu trong năm 2013. Cụ thể: Ngành phát triển nông thôn tăng từ 70 lên 80 chỉ tiêu; ngành thú y tăng từ 160 lên 180 chỉ tiêu; ngành khoa học cây trồng tăng từ 240 lên 270 chỉ tiêu; ngành nông học tăng từ 80 lên 120 chỉ tiêu... Lãnh đạo trường này cho biết, tổng chỉ tiêu của trường tăng thêm 1.000 chỉ tiêu, tập trung ở các khối ngành nông - lâm - ngư và kỹ thuật.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Tây Nguyên năm 2013 là 3.200 và trường cũng cơ cấu lại việc tuyển sinh vào các ngành. Ông Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng cho biết: “Chỉ tiêu khối ngành quản trị kinh doanh, kế toán sẽ dần dần chuyển cho các ngành chăn nuôi, lâm sinh, khoa học cây trồng... Năm nay chỉ tiêu dịch chuyển trong khoảng 20 - 30 sinh viên/ngành...”.
Trường Cao đẳng NNPTNT Bắc Bộ năm 2013 cũng tập trung đào tạo một số chuyên ngành mới trong nông nghiệp, trong đó có ngành nông nghiệp hữu cơ (thuộc khoa trồng trọt). Ngoài đào tạo ngắn hạn, trường cũng dự kiến đào tạo nghề này ở trình độ cao đẳng, và năm 2013 sẽ tăng chỉ tiêu đào tạo ở nhóm ngành này.
Nguyễn Thiêm
|
Tùng Anh
Nguồn: danviet.vn