Trường thí điểm sẽ thành... ốc đảo
Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học (ĐH) Thái Nguyên phân tích: Nghe
nói tự chủ thì các trường đều thích, vì được chủ động hơn trong tuyên
truyền quảng bá cho thí sinh, ra đề thi và xem xét để cho phù hợp khả
năng chung của thí sinh trong khu vực.
Nhưng liệu có vượt qua được nhiều vấn đề đặt ra từ sự đổi mới này
không? Theo ông Vui, ĐH Thái Nguyên thi chung đợt với cả nước mà tự ra
đề riêng để tuyển riêng thì liệu thí sinh có chọn ĐH này để thi không?
Bên cạnh đó, nếu ĐH Thái Nguyên thi riêng đợt thì có nghĩa là thí
sinh sẽ có thêm cơ hội thi ngoài đợt chung và khi trúng tuyển liệu họ có
chọn học ĐH Thái Nguyên không? Liệu điểm của ĐH Thái Nguyên có được sử
dụng chung trong cả nước hay chỉ có giá trị trong 10 trường ĐH. Nếu như
thế, việc tuyển đủ người học sẽ còn khó khăn hơn!
Ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa HN cho
biết: trường này đã có những phương án nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề để
có thể tự chủ tuyển sinh.
Ông Sơn cho rằng, các trường được thí điểm tự chủ tuyển sinh riêng
nhưng Bộ GD&ĐT cần có cơ chế để điều phối chung với các trường ĐH,
CĐ còn lại trong hệ thống.
Lãnh đạo nhiều trường băn khoăn về cơ chế tự chủ trong tuyển sinh ĐH, CĐ
Ông Sơn đặt câu hỏi: Thí sinh thi vào Đại học Bách khoa và thi trường
khác cùng trúng tuyển 2 trường thì điều phối thế nào? điểm trường thi
riêng được công nhận và sử dụng như thế nào trong cả hệ thống? ngày thi
có bắt buộc cùng ngày?…
Về điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Đức, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ
Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An cũng nói: Nếu làm riêng thì các văn bản pháp
quy sẽ không bắt kịp với sự thay đổi và không phối hợp với các trường
tách ra làm riêng, các trường này dễ bị lạc ra khỏi dòng chảy của hệ
thống!
Theo ông Hoàng Minh Sơn, khi nào Bộ GD&ĐT có một cơ chế phối hợp
trong toàn hệ thống thì mới có thể thực hiện được tự chủ trong tuyển
sinh.
Đổi mới không thể tùy tiện!
Bà Nguyễn Thị Thanh Đức, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Văn hoá Nghệ
thuật Nghệ An nêu ý kiến: Nếu tự chủ tuyển sinh thì trường sẽ chỉ tổ
chức thi riêng cho những ngành năng khiếu và tổ chức nhiều đợt thi trong
năm.
Những ngành chung như quản lý văn hóa, khoa học thư viện, VN học hay
hướng dẫn viên du lịch thì sẽ thi chung đợt với cả nước. Ngay cả những
ngành đặc thù thi riêng thì các môn như: Toán, Văn, Ngoại ngữ cũng sẽ
dùng đề thi từ ngân hàng của Bộ GD&ĐT, nếu tổ chức riêng thì sẽ
không có đủ kinh phí để trang trải.
Với kiểu đề thi hiện tại, chỉ mới kiểm tra kiến thức, chưa đánh giá
được 6 nhóm năng lực để quyết định thí sinh nào có đủ năng lực vào học
ĐH, CĐ hay sau ĐH thì tự chủ cũng vậy thôi. Không phải tự chủ đại học là
các trường được tự ra đề thi, tự tuyển và tự lấy người học...
Ông Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQG HN, đại diện nhà tuyển sinh tại
một trường trọng điểm đã nói vui về công cuộc tìm kiếm đổi mới thi tuyển
sinh mà ngành GD&ĐT đang hướng tới như vậy.
Ông Nhuận khẳng định: Thay đổi phương thức tuyển sinh mới là lõi của
vấn đề; còn tự chủ tuyển sinh là giao cho ông hiệu trưởng quyết định
chính sách tuyển sinh cho trường mình trên cơ sở kết quả đánh giá 6 năng
lực như đã nói ở trên, do một cơ quan khảo thí độc lập cung cấp.
Từ đó ông hiệu trưởng ĐH, CĐ sẽ quyết định một điểm tối đa để lấy
người học là bao nhiêu và hệ số của từng năng lực. Ngoài ra, có thể
quyết định thêm, dựa trên thành tích, năng lực của thí sinh ví dụ học
sinh giỏi quốc gia.
Để đổi mới tuyển sinh, ông Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh: Cần xây dựng
đội ngũ chuyên gia, xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực của VN trên cơ
sở nắm công nghệ lõi; sau đó mới thử...
Có quá nhiều việc cần được chuẩn bị bài bản. Tôi nghĩ phải mất vài
năm và còn tùy thuộc vào sự quyết tâm của Bộ GD&ĐT. Năm 2013, ông
Nhuận nói, nếu được lựa chọn, ĐHQG HN không có chủ trương tự mình ra đề
và sẽ vẫn chọn... ”ba chung”!