Theo thông báo của ĐH Huế, các phân hiệu thuộc trường ĐH Huế có nguy cơ phải đóng cửa nhiều ngành học. Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường được giao 50 chỉ tiêu nhưng kết thúc mùa tuyển sinh chỉ có 2 sinh viên đăng ký theo học. Tương tự ngành Kỹ thuật điện có 3 sinh viên đăng kí/50 chỉ tiêu, ngành Kỹ thuật bản đồ có 3 sinh viên/50 chỉ tiêu. Ngành Hán Nôm (ĐH Khoa học Huế) chỉ có 5 sinh viên/30 chỉ tiêu.
ĐH Nông lâm Huế cũng thông báo có khả năng đóng cửa một số ngành như: Quản lý tài nguyên và môi trường, Lâm nghiệp, Trồng trọt, Thủy sản. Còn ĐH Sư phạm Huế phải chuyển các sinh viên mới trúng tuyển ở hai ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp và Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp sang ngành đào tạo khác vì quá ít thí sinh nhập học (15 thí sinh). Vì vậy, mùa tuyển sinh năm nay, ĐH Sư phạm Huế sẽ phải đóng cửa hai ngành học này. Thông tin từ phòng đào tạo nhà trường cho thấy 3 năm trở lại đây, mỗi năm ĐH Huế phải đóng cửa trung bình 2 ngành học do không tuyển được thí sinh.
Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc hạn xét tuyển nhưng trường ĐH Nha Trang vẫn chưa chốt được danh sách sinh viên các ngành học: Kỹ thuật khai thác thủy sản, Điều khiển tàu biển, An toàn hàng hải và Kinh tế quản lý thủy sản. Số lượng thí sinh trúng tuyển vào những ngành này chỉ đếm trên đầu ngón tay với mức điểm bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn một chút. Thông tin từ Phòng Đào tạo của trường cho biết, năm nay trường này phải đóng cửa một số ngành học vốn được xem là thương hiệu của trường như
chuyên ngành thủy sản. Năm nay, một số ngành như: Nuôi trồng thủy sản,
Chế biến thủy sản... phải áp dụng đến Điều 33 (tăng điểm ưu tiên khu
vực) của Bộ GD - ĐT mới đủ thí sinh. Riêng với khoa Kỹ thuật khai thác thủy sản do nhiều năm liền không tuyển đủ thí sinh để mở lớp nên Trường ĐH
Nha Trang đổi tên khoa thành Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy
sản để các giảng viên chuyển sang làm công tác nghiên cứu.
Trước tình trạng nhiều ngành khó tuyển, Bộ GD - ĐT đã có quy định ưu tiên cho phép các trường khu vực Tây Nam bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc tuyển sinh dưới điểm sàn và ưu tiên xét tuyển thẳng cho thí sinh ở 20 huyện, thị xã khu vực Tây Nam bộ. Nhưng, nhiều trường cũng vẫn rơi vào tình trạng “đói” thí sinh.
Kết thúc mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, một số trường thông báo dừng tuyển sinh sớm như: ĐH Quảng Nam dừng tuyển sinh ngành Sư phạm mỹ thuật, ĐH Đồng Tháp tạm dừng tuyển sinh các ngành: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp hệ ĐH, Công nghệ thiết bị trường học hệ CĐ... Danh sách các trường phải đóng cửa ngành học khó tuyển dự kiến sẽ nhiều hơn năm trước.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này một phần là do thí sinh nhận thấy những ngành này gần đây ra trường khó
xin việc. Đồng thời thông tin về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của
những ngành học này trong tương lai cũng không cao. Nhưng cũng có những
ngành học sẽ rất dễ tìm việc khi ra trường nhưng thí sinh lại không biết về điều này. Thực tế này cho thấy, thí sinh vẫn khó nắm bắt được nhu cầu của xã hội.
Ông Trần Danh Giang, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nha Trang cho biết, nhu cầu của xã hội về nhân lực cho lĩnh vực thủy sản rất cao. Sinh viên của trường mới tốt nghiệp thì doanh nghiệp thường chờ sẵn để phỏng vấn, tuyển dụng. Tuy nhiên không phải học sinh phổ thông nào cũng nắm bắt được điều này.
“Những
ngành như kỹ thuật khai thác thủy sản, kỹ thuật tàu thủy, công nghệ chế
biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, quản lý nguồn
lợi thủy sản, kinh tế và quản lý thủy sản... sẽ là những ngành “hot”
trong tương lai và sẽ “khát” nhân lực trong 5 - 10 năm tới. Nếu không mở
được ngành học thì sẽ dẫn đến nguy cơ “trắng” nhân lực phục vụ cho công
tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý ngư trường”, ông Trần Danh Giang lo ngại.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, thực tế các trường đào tạo đa ngành chỉ quan tâm đến đào tạo theo chỉ tiêu cho phép, còn nhu cầu nhân lực ra sao cũng còn ít trường quan tâm. Ở những nước phát triển, trung tâm dự báo nguồn nhân lực hoạt động khá hiệu quả, góp phần định hướng dự báo nguồn nhân lực trong từ 5 - 10 năm tới. Việt Nam hiện có Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực quốc gia (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao
động TP Hồ Chí Minh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí
Minh). Nhưng, thông tin của hai trung tâm này chưa mang tính khái quát,
phổ biến ở nhiều lĩnh vực ngành nghề. Nên chưa giúp ích nhiều trong công
tác định hướng nghề nghiệp.